Thương hiệu “Xe cấp cứu Ba Nhiều”

Gần 20 năm qua, bất kể trời mưa hay nắng, ban trưa hay nửa đêm, cứ có điện thoại báo cần đưa người đi cấp cứu là ngay lập tức ông Ba Nhiều khoác áo, nhảy lên xe và có mặt tại nơi có người gọi. 
 Ông Ba Nhiều bên chiếc xe cứu thương của mình
Ông Ba Nhiều bên chiếc xe cứu thương của mình
Chiếc xe cứu thương tự chế mang biển số 53L-6466 của ông bây giờ đã quá quen thuộc không chỉ với bà con ở xã Nhị Bình (Hóc Môn) quê ông, mà cả với người dân các vùng Củ Chi, quận 12, Gò Vấp (TPHCM), Thuận An, Lái Thiêu (Bình Dương)... 
Luôn sẵn sàng
Ông Huỳnh Văn Nhiều (Ba Nhiều) không thể nhớ nổi mình đã chở bao nhiêu người đi cấp cứu như vậy. Chỉ nhớ là hầu như ngày nào, kể cả dịp lễ, tết, ông cũng đưa người tới bệnh viện, không do tai nạn thì cũng vì ốm đau, bệnh tật. Có ngày cao điểm ông phải chở tới 4 - 5 ca. Đang đưa người này đi thì đã có người khác gọi điện thoại tới giục. Ông bận công việc thì con cháu, anh em của ông chạy thế. Lúc nào nhà ông cũng có người túc trực, sẵn sàng chạy xe khi có trường hợp cần giúp đỡ. 
Kể về những ngày đầu làm công việc nhân đạo này, ông Ba Nhiều cho biết khi còn làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, do xã Nhị Bình nằm ở vùng ngoại thành nên không có taxi hoặc xe cứu thương để vận chuyển người gặp tai nạn. Vì thế, nhiều trường hợp do chờ xe cứu thương ở nơi khác đến, người từ bệnh nhẹ đã chuyển sang nặng hơn. Chứng kiến vụ việc, ông trăn trở và quyết định lấy chiếc xe ba gác - là phương tiện mưu sinh -  dùng để chở người bị nạn đến bệnh viện. Từ đó trở đi, ông dùng chiếc xe ba gác làm song song 2 nhiệm vụ: kiếm tiền nuôi gia đình và chở người đi cấp cứu. Thời gian này, tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng ông không hề lấy tiền công của người bệnh. Ông nói: “Tôi chở người ta đến bệnh viện rồi quay về, nhiều trường hợp không biết họ là ai và cũng không gặp lại họ lần nào. Cũng có người quay lại cảm ơn và gửi tiền, nhưng tôi thấy gia đình họ đa phần là nghèo nên không lấy”.
Sau này, gia đình ông tích cóp tiền mua chiếc xe Hyundai 12 chỗ làm xe cứu thương; xe có băng ca và còi hụ đàng hoàng. Chiếc còi hụ ấy do ông lấy chiếc loa phóng thanh của nhà chế lại rồi gắn lên xe, tạo thành tiếng còi hụ cấp cứu “chẳng giống ai”, nhưng nó lại tạo thành thương hiệu “xe cấp cứu Ba Nhiều”…
Số điện thoại đặc biệt
Giờ đây, nhiều người đã lưu số điện thoại của ông, đề phòng khi hữu sự. Số điện thoại của ông Ba Nhiều đã trở thành “đường dây nóng” và bà con hầu như thuộc nằm lòng dãy số đặc biệt này. Từ tai nạn giao thông, ngã kênh, chết đuối cho đến cấp cứu tại nhà, tai biến, cao huyết áp, gãy tay chân, thậm chí chồng đánh đập vợ, người dân cũng gọi điện cho ông Ba Nhiều. 
“Khi có cuộc gọi khẩn, kiểu gì chẳng có người bị thương. Cứ gọi cho bác Ba Nhiều tới lo cấp cứu cái đã”, một người dân ấp 2, xã Nhị Bình nói. Không chỉ người dân mà cả công an xã, khi có tai nạn xảy ra tại địa bàn, thao tác đầu tiên của các anh công an là lấy máy gọi điện cho ông Ba Nhiều tới. Bởi vậy, các bệnh viện như Bệnh viện Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa Củ Chi, Trạm y tế Dĩ An, Thuận An, Lái Thiêu... cứ thấy xe của ông vào là các bác sĩ, y sĩ biết ngay rằng đang có trường hợp cần cấp cứu.
Nói về trường hợp của ông Ba Nhiều, bà Lê Thị Hồng Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Bình, chia sẻ: “Trong suốt nhiều năm nay, ông Ba Nhiều và chiếc xe cấp cứu đã hỗ trợ cho Hội Chữ thập đỏ xã cũng như giúp nhiều người dân quanh vùng thoát khỏi nguy hiểm khi chẳng may bị tai nạn, bệnh tật. Vì thế, ông Ba Nhiều luôn được sự thương yêu, tin tưởng và kính trọng của người dân nơi đây”.

Tin cùng chuyên mục