Thương hiệu bán lẻ Việt, vì người Việt

Xuất phát điểm là Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Mua bán TPHCM (thành lập năm 1989, nay là Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM - Saigon Co.op), sau 30 năm hoạt động, Saigon Co.op đã trở thành mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả điển hình của TPHCM.

Saigon Co.op đã trực tiếp tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, phục vụ hàng chục triệu bữa ăn an toàn và tiết kiệm cho các gia đình trên khắp lãnh thổ Việt Nam.

Hành trình 30 năm 

Ngày 9-2-1996, siêu thị đầu tiên của Saigon Co.op ra đời với tên Co.opmart Cống Quỳnh (đường Cống Quỳnh, quận 1), trở thành bước ngoặt quan trọng tạo nền tảng ban đầu cho hệ thống bán lẻ hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Tới nay, sau 30 năm, Co.opmart đã trở thành thương hiệu quen thuộc của người tiêu dùng TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. 

Năm 2018 cũng đánh dấu việc Saigon Co.op vượt con số 100 siêu thị, nâng tổng số điểm bán trên cả nước của Saigon Co.op lên hơn 650, phủ rộng 43 tỉnh thành, đón hơn 1 triệu lượt khách hàng đến tham quan mua sắm mỗi ngày.

Đặc biệt, trong 8 tuần liên tiếp trước Tết Nguyên đán 2019, hệ thống bán lẻ với rất nhiều mô hình như đại siêu thị, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… của Saigon Co.op đạt doanh thu kỷ lục 1.000 tỷ đồng/tuần.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Thường trực Saigon Co.op, kết quả này đạt được là nhờ đơn vị đã tiến hành rà soát tổng thể và xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với chuyển biến của tình hình thực tế. Tập trung nguồn lực triển khai những nội dung quan trọng là hàng hóa, công nghệ thông tin, không gian mua sắm, logistics và dịch vụ, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp… 

Song song với chuỗi Co.opmart, Saigon Co.op phát triển thành công hàng loạt mô hình bán lẻ hiện đại mới như: hệ thống cửa hàng thực phẩm Co.op Food, kênh mua sắm qua truyền hình HTVCo.op, đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại Sense City, cửa hàng bách hóa hiện đại Co.op Smiles, cửa hàng tiện lợi mở cửa suốt 24 giờ Cheers…, phủ kín hầu hết các phân khúc bán lẻ trước sự thán phục của các nhà bán lẻ ngoại.

Đáng chú ý, cuối tháng 6 vừa qua, Saigon Co.op đã nhận chuyển giao tất cả các hoạt động Auchan tại Việt Nam, gồm 15 cửa hàng hoạt động bán lẻ lẫn thương mại điện tử và hơn 200 nhân viên đang làm việc cho Auchan.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Anh Đức, việc tiếp quản Auchan khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của Saigon Co.op trong lĩnh vực thương mại hiện đại và thể hiện trách nhiệm của Saigon Co.op đối với người tiêu dùng Việt Nam. 

Thương hiệu bán lẻ Việt, vì người Việt ảnh 1 Hệ thống của Saigon Co.op đang đón 1 triệu lượt tham quan, mua sắm mỗi ngày

Tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và định hướng phát triển hoạt động kinh doanh năm 2019 của Saigon Co.op tổ chức hồi tháng 3 vừa qua, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, đã đánh giá Saigon Co.op là đơn vị chủ lực của thành phố, được UBND TPHCM giao nhiệm vụ tham gia bình ổn thị trường hàng thiết yếu, thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

Điều đáng tự hào là trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, Saigon Co.op đã tạo được thế đứng vững chắc và tốc độ tăng trưởng nhanh, cho thấy sự nỗ lực của nhà bán lẻ thuần Việt đang đứng vị trí hàng đầu tại Việt Nam.

Bệ phóng cho hàng Việt 

Suốt nhiều năm nay, Saigon Co.op đã liên tục có những chính sách thiết thực hỗ trợ hàng Việt tiếp cận kênh phân phối của mình. Cụ thể, thông qua việc thường xuyên phối hợp với các cơ quan quản lý của địa phương nơi có siêu thị Co.opmart trú đóng để phổ biến về những tiêu chí mà nhà cung ứng cần phải làm khi đưa hàng vào siêu thị.

Tính đến nay, Saigon Co.op đã có hơn 450 hợp đồng thương mại ký với các tỉnh, thành để tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường. Riêng trong nhóm hàng thực phẩm, mỗi tháng nhà bán lẻ này đã tiêu thụ 1.100 tấn rau củ quả, trái cây của khu vực TPHCM; 1.750 tấn rau củ quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm... của khu vực Đông Nam bộ; 2.400 tấn rau, trái cây, thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến... của Tây Nam bộ.

Ở khu vực Lâm Đồng là 1.800 tấn/tháng và khu vực miền Bắc khoảng 500 tấn/mùa vụ. Theo Saigon Co.op, điều kiện để đưa hàng vào hệ thống bán lẻ không khó, quan trọng là doanh nghiệp cần có sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người dân và đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Trong kế hoạch mục tiêu của mình, Saigon Co.op xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạng lưới tất cả mô hình, phấn đấu đạt 1.000 điểm bán vào cuối năm 2019 trên cả nước. Tập trung mở rộng hệ thống bán lẻ chủ lực gồm: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers, trung tâm thương mại và phân khúc cao.

Song song đó, tiếp tục phát huy vai trò nhà bán lẻ tiên phong vì lợi ích cộng đồng: tập trung và trách nhiệm cao nhất, đi đầu đối với an toàn vệ sinh thực phẩm; dẫn đầu về số lượng và chất lượng dịch vụ khách hàng, đồng thời mở rộng, bổ sung thêm các mô hình bán lẻ hiện đại.

Do đó, Saigon Co.op sẽ triển khai thêm hàng loạt giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp Việt, điển hình là chính sách thanh toán ưu tiên cho nhà sản xuất trong nước, hỗ trợ chi phí trưng bày hàng hóa, tăng thời gian bán thử nghiệm, ưu tiên bao tiêu cho các hợp tác xã nông nghiệp đạt chuẩn, xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng cho các mặt hàng rau củ quả.

Qua đó, Saigon Co.op mong muốn giúp các doanh nghiệp Việt, nhất là những cơ sở, hợp tác xã, có thể tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại, lưu thông và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng Việt.

Đến nay, dù có rất nhiều chuỗi siêu thị lớn tham gia thị trường, nhưng các chuỗi siêu thị của Saigon Co.op với slogan “Bạn của mọi nhà” vẫn in đậm dấu ấn trong tâm trí, thói quen tiêu dùng của một bộ phận không nhỏ người dân TPHCM. 

Tin cùng chuyên mục