Thước đo chất lượng sống của cư dân đô thị

Việc sử dụng thời gian rảnh rỗi hay còn gọi nhàn rỗi, phản ánh chất lượng sống, điều kiện sinh hoạt và trình độ dân trí của công dân mỗi thành phố.
 Người Việt cần nhiều hoạt động cộng đồng, tập thể Ảnh: VIỆT DŨNG
Người Việt cần nhiều hoạt động cộng đồng, tập thể Ảnh: VIỆT DŨNG
Đến thành phố nào, chỉ cần nhìn cách thức tiêu thụ thời gian nhàn rỗi của người dân là có thể biết được rất nhiều điều về thành phố đó. Do vậy, việc đo lường thời gian rảnh rỗi được coi là một chỉ số quan trọng trong bộ tiêu chí lượng hóa của chất lượng sống đô thị. 

Hữu ích khi sử dụng thời gian khoa học 

Trong xã hội nông nghiệp truyền thống, không có sự phân định rõ ràng giữa thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi, giữa thời gian hữu dụng và thời gian rảnh rỗi, giữa thời gian công và tư. Người nông dân làm việc và nghỉ ngơi theo mùa vụ; hết cấy hái xong là thời gian nông nhàn, người nghỉ và cũng để đất nghỉ ngơi; còn công việc nhà làm lúc nào hết việc thì thôi. Việc phân định thời gian rõ ràng thành những phần khác nhau chỉ xuất hiện từ khi có cuộc cách mạng công nghiệp. Sau 8 giờ làm việc trong nhà máy, công sở là thời gian nghỉ ngơi thư giãn; thời gian cho sinh hoạt cá nhân, gia đình…

Việc sử dụng thời gian rảnh rỗi vô cùng quan trọng. Nếu sử dụng một cách khoa học, hiệu quả sẽ rất hữu ích; còn coi thường hoặc sử dụng sai mục đích sẽ để lại những hậu quả không mấy dễ chịu. Những chuyến du lịch dài ngày, những lần về nông thôn hay ra biển sẽ giúp người lớn hồi phục sức khỏe; tái tạo năng lượng, tâm lý sau một thời gian làm việc vất vả; giúp con trẻ cân bằng trạng thái sinh học và tâm lý sau một năm học căng thẳng.

Ngoài ra, việc sử dụng thời gian rảnh rỗi còn giúp chúng ta nâng cao sự hiểu biết, kiến thức sau mỗi chuyến đi xa và thiết lập mối quan hệ mới với những con người ở các vùng đất xa lạ. Không ít gia đình hầu như không quan tâm đến chuyện du lịch hay thăm thú đây đó với nhiều lý do khác nhau, như quá bận bịu vì công việc; đang tiết kiệm tiền để đầu tư cho các dự tính lâu dài; thậm chí có người cho rằng chuyện đi du lịch đâu đó trong thời buổi “thóc cao, gạo kém” này… là rỗi hơi.

Cần ghi nhận việc sử dụng thời gian nhàn rỗi như thế nào lại tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, công việc và hoàn cảnh của từng nhóm người. Với công chức nhà nước, với những người có điều kiện sống khá giả thì việc sử dụng thời gian rảnh rỗi thường là có kế hoạch chung và trước cho cả năm; có kế hoạch nghỉ dài ngày vào các dịp hè, lễ, tết; có kế hoạch vào cuối tuần như ăn tối ở ngoài, đi thăm đường sách, xem phim… Với tầng lớp trung lưu, ngoài việc lên kế hoạch thời gian còn kế hoạch chuẩn bị tài chính và thiết lập các quan hệ xã hội trước đó. Đối với người lao động phổ thông, buôn bán, lúc nào cũng thấy bận “tối mắt, tối mũi” nên việc sử dụng thời gian rảnh rỗi hầu như không theo kế hoạch, đôi khi xuất hiện một cách bất chợt và phần nhiều là tranh thủ một cách thụ động, theo kiểu có gì hưởng nấy. 

Hướng tới các hoạt động cộng đồng 

Những năm gần đây, khi mức sống của người dân thành phố được nâng cao, có điều kiện tiếp xúc với thế giới bên ngoài thì việc sử dụng thời gian rảnh rỗi được chú ý nhiều hơn cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, có vấn đề nảy sinh với đối tượng này là nếu thời gian nghỉ dài ngày được kế hoạch hóa tương đối bài bản thì những nghỉ ngơi ngắn trong ngày và cuối tuần sẽ có vấn đề. Đó là khoảng từ 5 - 7 giờ tối, thời gian này người được nghỉ ngơi ít nhất là phụ nữ, bởi sau khi rời khỏi nơi làm việc, phần lớn họ phải chạy đi đón con ở trường, sau đó đi ngay tới chợ, siêu thị mua thực phẩm và tiếp theo là lo chuyện bếp núc, khi xong việc cũng đã 8 - 9 giờ tối. 

Ở những gia đình có chồng và con cái hỗ trợ thì người phụ nữ được rảnh rang hơn một chút. Với thời gian nghỉ ngơi ngắn, các hình thức sử dụng rất linh hoạt, người ta có thể đọc sách báo, nghe nhạc, nói chuyện với nhau, đi dạo bộ, tập thể thao ở các câu lạc bộ, spa… Ông Michael Leaf, một chuyên gia nước ngoài làm việc ở Việt Nam sau hơn một năm đã nhận xét: Phần đông người dân TPHCM sử dụng thời gian rảnh rỗi hơi đơn điệu, ít đổi mới và cứ lặp đi lặp lại quanh năm. Có 4 hình thức phổ biến mà người TPHCM sử dụng thời gian rảnh rỗi là xem tivi, vào internet, đi siêu thị và… nhậu. Hàng ngàn quán nhậu ở TPHCM đông nghịt vào buổi chiều tối cho thấy nhận xét của vị chuyên gia này có lẽ đúng. Người TPHCM đến nhà hát, viện bảo tàng, triển lãm cũng ít hơn người Hà Nội.  
 
Những năm trước đây, khi đo lường về sử dụng thời gian rảnh rỗi, các nhà nghiên cứu thường chỉ dừng lại ở hoạt động hưởng thụ các sản phẩm có sẵn từ nhà cung cấp như chương trình trên tivi, ca nhạc tạp kỹ… Những năm gần đây, ở các nước phát triển, họ coi chất lượng sống tốt còn phải hướng tới các hoạt động sáng tạo cá nhân và cộng đồng; chẳng hạn như vẽ tranh, nặn tượng, làm thơ, viết truyện ngắn, sáng tác nhạc, trồng cây xanh… Những hoạt động sáng tạo này hoàn toàn không hướng tới việc thương mại hóa (bán sản phẩm), tìm kiếm danh tiếng mà là chứng tỏ việc sử dụng thời gian rảnh rỗi của cá nhân vào mục đích tìm tòi khám phá bản thân, tạo sự cảm hứng và kết nối bè bạn. 

Vài năm trở lại đây, rất nhiều chị em và cả những người lớn tuổi trong thành phố rất hứng khởi trong việc thêu tranh chữ thập để tặng nhau và treo trang trí trong nhà. Đây là một bằng chứng cho thấy xuất hiện sự sáng tạo (cho dù còn ở mức thấp) trong việc sử dụng thời gian nhàn rỗi một cách hữu ích.
 Sau Thế chiến thứ hai, để khôi phục đất nước sau chiến tranh, người Nhật đã làm việc từ 12 - 16 giờ liên tục trong ngày. Hậu quả là xuất hiện căn bệnh có tên “Karoshi”, tức rất nhiều người làm đến kiệt sức và chết ngay trên bàn làm việc, đột tử trong dây chuyền sản xuất. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, có năm số người chết theo kiểu Karoshi lên đến hàng ngàn người, trở thành một thứ bệnh nguy hiểm. Vì thế từ năm 1990, nhà nước Nhật đã phải ra một sắc lệnh buộc mọi người lao động không được làm việc quá 40 giờ/tuần và bắt buộc phải dành thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch hàng năm, hàng quý... Ngày nay, Nhật Bản được coi là đất nước có số người đi du lịch ra nước ngoài nhiều nhất thế giới.

Tin cùng chuyên mục