Thực tế phũ phàng

Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng việc tăng thuế sẽ giúp cho các hiệp định thương mại công bằng hơn, người hưởng lợi cuối cùng là người lao động, nông dân, nhà sản xuất và những đối tượng khác, nhưng thực tế diễn ra lại không như ông kỳ vọng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Xung đột thương mại do chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump và các đòn trả đũa của nước ngoài đã bắt đầu có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước Mỹ. Các quyết định áp thuế trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Mexico… được tung ra liên tục khiến các lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại, nhà đầu tư lo lắng. Hơn nữa, nhiều khu vực bị ảnh hưởng lại là nơi có rất nhiều cử tri từng bỏ phiếu ủng hộ ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016. Vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết có thể phải cân nhắc việc thay đổi các dự báo kinh tế nếu các cuộc xung đột thương mại vẫn tiếp diễn.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, George Skarich, Phó Chủ tịch kinh doanh của Tập đoàn Nail Mid Continent ở bang Missouri, đã bầu cho ông Donald Trump và hy vọng ông sẽ vận dụng đầu óc kinh doanh nhạy bén của một tỷ phú để cải thiện nền kinh tế Mỹ. Tuy nền kinh tế Mỹ đang có một số thay đổi tích cực, nhưng ông Skarich cho rằng ông không hề được hưởng lợi đáng kể từ điều này.

Mid Continent, doanh nghiệp sản xuất đinh lớn nhất của Mỹ, chuyên nhập khẩu thép từ Mexico để sản xuất mặt hàng của mình. Do ông Donald Trump quyết định tăng mức thuế 25% cho sản phẩm thép của một loạt quốc gia, trong đó có Mexico, nên Mid Continent đã phải tăng giá gần 20% cho mỗi sản phẩm bán ra thị trường. Trong tháng 6 này, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh 50%, trong khi Mid Continent vẫn đang chật vật cạnh tranh với các loại đinh nhập khẩu nước ngoài có giá rẻ hơn.

Rõ ràng, các nhà sản xuất nước ngoài đang có một lợi thế lớn so với Mid Continent, khi không phải nhập nguyên liệu sản xuất đắt đỏ. Mặc dù ông Trump có thể đề ra hướng giải quyết rằng Mid Continent nên mua thép từ các doanh nghiệp trong nước, nhưng thực tế giá các mặt hàng kim loại do Mỹ sản xuất cao hơn nhiều so với các công ty Mexico nên họ vẫn phải tăng giá kể cả khi sử dụng thép trong nước.

Ngành nông nghiệp Mỹ cũng bị ảnh hưởng mạnh khi sắp tới, Trung Quốc cũng sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 25% đối với các loại tôm hùm nhập khẩu từ Mỹ nhằm đáp trả những lời đe dọa áp thuế của ông Donald Trump đối với gần 450 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Bà Annie Tselikis, Giám đốc điều hành Hiệp hội các đại lý tôm hùm bang Maine, cho biết chính sách của ông Donald Trump đã gây ra các hiệu ứng ngược không mong muốn, đó là giúp thị trường tôm hùm của Canada mở rộng hơn, do thương nhân nước láng giềng có thể xuất tôm sang Trung Quốc mà không phải chịu mức thuế bổ sung. Trung Quốc mua khoảng 1/5 lượng tôm hùm xuất khẩu của Mỹ và giá trị của những mặt hàng xuất khẩu này đã tăng gần gấp 3 lần trong 2 năm qua, lên đến 137 triệu USD.
Giới chức Mỹ cho biết hơn 14% trong tổng nông sản xuất khẩu trị giá 140 tỷ USD mỗi năm của nước này đã, đang và sẽ còn bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trả đũa lẫn nhau về thuế.
Thêm nữa, hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ cũng đã rút nước này khỏi thỏa thuận thương mại tự do khi đó có tên gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong bối cảnh Nhật Bản là một bên ký kết và nằm trong những quốc gia nhập khẩu thịt bò lớn của Mỹ.

Tin cùng chuyên mục