Thực phẩm hữu cơ - ai bảo chứng?

Trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều loại sản phẩm với nhãn mác thực phẩm hữu cơ, nhưng chưa thực sự phù hợp với tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC). 
Tình hình này kéo dài khiến người tiêu dùng hoang mang, mất dần niềm tin về chất lượng các loại sản phẩm được sản xuất theo phương thức hữu cơ thật sự.
Ngày càng nhiều sản phẩm “hướng hữu cơ”

Chỉ cần vào google hay facebook, người tiêu dùng sẽ thấy rất nhiều quảng cáo, trang web bán hàng thực phẩm hữu cơ, organic đủ loại, từ nhập khẩu đến sản xuất nội địa. Thực phẩm hữu cơ rất đa dạng, không chỉ có rau củ, quả các loại mà còn cả mật ong, trà, cà phê, các loại hạt, sữa, thịt heo, bò, cá… Thêm nữa, các loại mỹ phẩm chăm sóc da như sữa tắm dành cho trẻ em, sữa rửa mặt hữu cơ dành cho người lớn cũng được bán rất nhiều. Đương nhiên, giá cũng ở mức cao gấp nhiều lần so với sản phẩm bình thường. Gần đây, thị trường còn xuất hiện nhiều sản phẩm… “hướng hữu cơ” (trồng theo quy trình sạch, gần đạt tiêu chuẩn organic) cũng ra đời với giá cao.

Ngày 22-8, ghi nhận tại một số điểm chuyên doanh thực phẩm hữu cơ (organic foods) cho thấy, không khí bán buôn các mặt hàng này cực kỳ sôi động. Tại một hệ thống cửa hàng chuyên doanh các sản phẩm organic trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1), nhân viên trực điện thoại bận rộn nhận hàng loạt cuộc gọi đặt hàng từ khắp các quận, huyện trên địa bàn TPHCM. Ngay tại cửa ra vào, hơn chục túi ny lông rau củ, thịt cá, sữa được xếp ngay ngắn chờ giao cho khách. Tại đây, 50gr trà xanh có giá 65.000 đồng, 100gr Atiso khô có giá 85.000 đồng… 

Tương tự, tại cửa hàng F. (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3) chuyên cung cấp các sản phẩm thiên nhiên, sản xuất theo hướng hữu cơ cũng tấp nập khách ra vào buổi trưa. Nhân viên tại đây giải thích, toàn bộ sản phẩm đều sản xuất theo hướng hữu cơ, nên giá bán cũng cao hơn mặt bằng giá chung. Ví dụ, sầu riêng từ 110.000 - 140.000 đồng/kg (giá ở siêu thị khoảng 80.000 - 90.000 đồng/kg); nhãn tiêu da bò 130.000 đồng/kg… Ngoài ra, một số cửa hàng còn cung cấp thêm thịt heo hữu cơ hoặc hướng hữu cơ (300.000 - 400.000 đồng/kg), mực ống đánh bắt thiên nhiên (không ướp hóa chất độc hại…) có giá 385.000 - 500.000 đồng/kg. 

Vấn đề đáng nói ở đây là ranh giới sản phẩm được sản xuất theo hướng hữu cơ với chuẩn hữu cơ khá mong manh. Chưa kể, tại các cửa hàng, phần lớn sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ được sắp xếp cạnh sản phẩm hữu cơ nên người tiêu dùng ít để ý, đôi khi lầm tưởng đó cũng là sản phẩm hữu cơ. Đối với các sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ, người dùng hiểu rằng sản phẩm này gần đạt chuẩn hữu cơ, nên chất lượng phải cao hơn so với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Thế nhưng, thực tế các sản phẩm này chỉ được người bán chứng nhận bằng… lời nói, nên rất khó phân biệt các sản phẩm này thực sự đang ở chuẩn nào. Chẳng hạn, tại cửa hàng chuyên về sản phẩm thiên nhiên, sản phẩm hữu cơ V. (đường Nguyễn Tri Phương, quận 5), giá bơ Lâm Đồng ở mức 180.000 đồng/kg. Người bán khẳng định sản phẩm thiên nhiên, giá trị gần như bơ hữu cơ?! Tuy vậy, số bơ này lại để lăn lóc trên kệ chứ không được đóng gói nhận diện sản phẩm, truy xuất nguồn gốc như các sản phẩm khác. 

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất nông sản hữu cơ của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận, như Vinamilk (sữa), Công ty Viễn Phú (gạo)… Gần đây, hệ thống siêu thị Co.opmart tại TPHCM cũng cung cấp quầy thực phẩm hữu cơ gồm, rau củ quả, gạo, cá, tôm sú… 
Thực phẩm hữu cơ - ai bảo chứng? ảnh 1 Nuôi bò cung ứng sữa organic.   Ảnh: CAO  THĂNG
Ông V.H, một doanh nghiệp chuyên về thực phẩm hữu cơ nhận định, ngoài một số thương hiệu tên tuổi đủ tư cách bảo chứng cho chất lượng sản phẩm, thì còn rất nhiều sản phẩm hữu cơ tự xưng, chất lượng chưa như quảng bá. Bởi tính đến thời điểm này nước ta chưa có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, chưa có tổ chức chứng nhận, giám sát chất lượng… đối với sản phẩm hữu cơ. Do vậy, việc doanh nghiệp tự thân vận động, xoay xở để đạt các chứng chỉ quốc tế là điều đáng mừng, nhưng cũng là kẽ hở trong việc quản lý chất lượng sản phẩm. 
Sản phẩm hái lượm tự nhiên có là NNHC? Tại hội thảo “Góp ý về chính sách quản lý để thúc đẩy phát triển NNHC Việt Nam”, tổ chức tại TPHCM ngày 22-8, trả lời câu hỏi: “Sản phẩm hái lượm có phải là NNHC ?”, các ý kiến đều nhìn nhận, đây chưa phải là sản phẩm hữu cơ. Vì không có gì để quản lý hay kiểm soát. TS Nguyễn Bá Hùng cho biết, tiêu chuẩn quốc tế còn quy định, nước mưa, nếu chưa được kiểm soát cũng chưa thể đạt chuẩn về sản phẩm hữu cơ. Để giúp NNHC phát triển, cần có quy hoạch vùng để cùng sản xuất sản phẩm hữu cơ, cũng như có nghị định với chính sách cụ thể và phù hợp thực tế.  Đã có 10 năm đầu tư trang trại hữu cơ 320ha ở Cà Mau, ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú trăn trở về chính sách lĩnh vực này. Là những người đi đầu về sản xuất NNHC, ông thấm thía với vô vàn khó khăn mà những người tâm huyết dấn thân vào NNHC phải đối mặt. Theo ông, cần có sự nhìn nhận đầy đủ và toàn diện về NNHC. Làm NNHC, bên cạnh yêu cầu về đất và nước đạt chuẩn (3 năm mới có thể cải tạo vùng đất đạt các yêu cầu NNHC), cần có nông dân hiểu biết về quy trình sản xuất ra sản phẩm hữu cơ; sau đó là khâu thu hoạch, sơ chế, vận chuyển và phân phối… sao cho khi đến tay người tiêu dùng phải truy xuất được nguồn gốc và phải đạt chuẩn sản phẩm sản xuất NNHC. Như vậy, sản xuất NNHC là một chuỗi liên hoàn. Để thúc đẩy sản xuất NNHC một cách bền vững cần làm rõ chính sách về sự khác biệt với sản xuất nông nghiệp bình thường. Kinh nghiệm cho thấy, chi phí ban đầu để chuyển qua sản xuất NNHC rất cao, nên trong chính sách khuyến khích cần có sự khác biệt, ưu đãi nhiều hơn, nhất là về vốn vay (có thể nhiều hơn, thời gian kéo dài hơn và lãi suất thấp hơn được không?). Nếu có sự nhìn nhận và chính sách ưu đãi tốt, nhà đầu tư sẽ có động lực và mạnh dạn chuyển hướng vào sản xuất NNHC nhiều hơn. Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng, Việt kiều Pháp, đầu tư trang trại rau hữu cơ theo chuẩn quốc tế ở Lâm Đồng, cũng lo ngại về tình trạng lợi dụng NNHC khi hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm tự ghi là sản phẩm hữu cơ hay sản xuất theo hướng hữu cơ. Đồng quan điểm này, Chủ tịch HĐQT HTX hồ tiêu hữu cơ huyện Đắk R’Lâp, tỉnh Đắk Nông, cho rằng, do Việt Nam chưa có những quy định cụ thể nên sản phẩm hữu cơ nhan nhãn trên thị trường, nhưng không thể biết đâu là hữu cơ thật sự, đâu là giả. Vì vậy, cần có quy định và chế tài nghiêm khắc để cảnh báo và răn đe những người lợi dụng để trục lợi, bảo vệ người sản xuất cũng như sự an toàn cho người tiêu dùng. Mức xử phạt trong dự thảo Nghị định sản xuất NNHC còn quá nhẹ để có thể răn đe những người vi phạm. 
Tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thực tiễn cho thấy, những người làm NNHC và doanh nghiệp đầu tư vào NNHC đều mong muốn xây dựng cơ chế, tạo hành lang pháp lý làm định hướng cho việc sản xuất NNHC đảo bảm chất lượng từ sản xuất đến bàn ăn. Ngay cả bộ tiêu chuẩn TCVN-11041:2015 của Bộ KH-CN cũng phải có sự điều chỉnh hợp lý theo hướng tiệm cận tiêu chuẩn NNHC quốc tế, đảm bảo vừa phù hợp sản xuất với điều kiện Việt Nam nhưng có thể vươn ra xuất khẩu, đáp ứng với tiêu chuẩn quốc tế. Cũng như cần có cơ chế, tạo điều kiện để các tổ chức trong nước chứng nhận sản phẩm NNHC thay vì hiện nay chỉ có các tổ chức quốc tế với chi phí rất cao, nông dân hay trang trại nhỏ không thể có đủ khả năng tài chính tham gia.  Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc chuỗi hệ thống cửa hàng thực phẩm hữu cơ organica, cho rằng, vấn đề truy xuất nguồn gốc rất quan trọng cũng như khâu phân phối và kinh doanh cần được quản lý và bảo vệ rõ ràng. Những người tham gia vào sản xuất và phân phối sản phẩm hữu cơ như chúng tôi trăn trở về vấn đề này. Vì vậy, rất mong dự thảo Nghị định về NNHC quan tâm cũng như có chính sách cho những người tiên phong.

Tin cùng chuyên mục