Thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới: Lùi 2 năm nhưng phải rất khẩn trương

Việc Quốc hội cho phép lùi thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) mới tối đa 2 năm là để ngành giáo dục chuẩn bị kỹ hơn, bảo đảm triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, nếu ngành giáo dục không tích cực chuẩn bị thì việc lùi thời gian sẽ không có ý nghĩa.
Việc chuẩn bị không được chậm lại
Có thể nói, mọi công việc để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình, SGK GDPT mới đang được tiến hành khẩn trương. Năm 2017, Ban soạn thảo chương trình GDPT mới đã thực hiện một khối lượng công việc lớn, trong đó có việc hoàn thành Chương trình GDPT tổng thể, dự thảo lần 1 các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, dù nỗ lực đến mấy thì tiến độ công việc vẫn bị chậm, dẫn đến Quốc hội đã phải đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc lùi thời điểm thực hiện.
Quốc hội cho phép lùi thời hạn áp dụng chương trình, SGK GDPT mới theo hình thức cuốn chiếu, chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT.
Như vậy là lùi thời gian triển khai chương trình mới tối đa là 2 năm với mỗi cấp học. Nhiều ý kiến đặt ra, liệu khi Quốc hội cho phép lùi thời hạn thực hiện thì việc chuẩn bị có chậm lại? Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới, quan điểm của Bộ GD-ĐT cũng như ban soạn thảo chương trình là phải gấp rút chuẩn bị để năm 2018 có thể ban hành Chương trình GDPT mới và biên soạn SGK mới, trước mắt hoàn thành SGK lớp 1.
Thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới: Lùi 2 năm nhưng phải rất khẩn trương ảnh 1 Học sinh Hà Nội tham gia giờ học trải nghiệm
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có kết luận về chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SGK GDPT mới. Theo đó, dự thảo các chương trình môn học sẽ được công bố để xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân trước ngày 12-1-2018.
Ban quản lý dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT (Ban quản lý RGEP) sẽ chủ trì xây dựng kế hoạch biên soạn một bộ SGK đủ các môn học ở các lớp học (do Bộ GD-ĐT chỉ đạo tổ chức) để trình Bộ trưởng phê duyệt, ban hành kế hoạch trước ngày 31-1-2018.
Các trường sư phạm lựa chọn, lập danh sách giảng viên trẻ, có năng lực để Bộ GD-ĐT cử đi nước ngoài đào tạo chuyên gia về phát triển chương trình GDPT; gửi danh sách về Bộ GD-ĐT trước ngày 30-6-2018.
Bộ cũng nêu thời hạn về chuẩn bị đội ngũ, trong đó có việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán các môn học về chương trình, SGK mới theo hình thức tập trung tại trung ương; hoàn thành trước thời điểm triển khai áp dụng chương trình, SGK GDPT mới đối với từng lớp tuần tự trong mỗi cấp học ít nhất 6 tháng, để địa phương có thời gian tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đại trà cho giáo viên.
Cùng với đó, Đề án bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị trường học cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình GDPT, đề xuất các nguồn vốn trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương để thực hiện đề án cũng sẽ được Bộ GD-ĐT gấp rút trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Chương trình GDPT mới thực hiện mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Ba điểm mới nhất của chương trình là thực hiện dạy học phân hóa để phát huy tiềm năng, sở trường của người học; thực hiện dạy học tích hợp để gắn kết các lĩnh vực với nhau, gắn kết lý luận với thực tiễn; thực hiện dạy học thông qua hoạt động tích cực của người học để phát triển phẩm chất và năng lực một cách vững chắc.
Toàn xã hội đều hy vọng chương trình sẽ tạo được chuyển biến mới trong giáo dục. Vì vậy, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, để thực hiện thành công chương trình GDPT mới cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền; sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là sự quyết tâm của các thầy cô trong toàn ngành. Đó là những điều kiện tiên quyết để thực hiện chương trình mới.
“Trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT này, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên là lực lượng nòng cốt. Các thầy cô có quyết tâm đổi mới thì quyết tâm của lãnh đạo mới biến thành hiện thực, sự đồng thuận của cộng đồng, xã hội mới được phát huy”, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới kỳ vọng vào các thầy cô.
Tuy nhiên, nếu chỉ có sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT, cũng như sự dấn thân của đội ngũ giáo viên là chưa đủ. Để thực hiện thành công chương trình GDPT mới, các địa phương cần quan tâm khắc phục những hạn chế về cơ sở vật chất trường lớp như phải bảo đảm để học sinh tiểu học được học ít nhất 6 buổi/tuần; bảo đảm sĩ số không vượt quá 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở THCS, THPT; bố trí lớp học phù hợp với hình thức làm việc nhóm.
“Nếu còn để tình trạng học sinh trên lớp quá đông như một số trường ở đô thị thì đó sẽ là trở ngại rất lớn trong thực hiện chương trình mới”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói. Được biết, hiện nay hầu hết sĩ số lớp tiểu học ở đô thị lớn đều từ 50 đến 60 học sinh/lớp.
Như vậy, khối lượng công việc của năm 2018 là rất nhiều, trước hết phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Sau đó, tổ chức hoàn thiện và thẩm định các chương trình này; thẩm định lại toàn bộ chương trình GDPT và ban hành chương trình GDPT mới.
Tiếp theo, phải tổ chức biên soạn SGK, trước mắt tập trung vào lớp 1 để triển khai chậm nhất vào năm học 2020-2021 ở cấp tiểu học. Bên cạnh đó, phải tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về chương trình mới, SGK mới.
Nếu như có tâm lý được lùi 2 năm với mỗi cấp học mà chủ quan, chậm chạp trong việc chuẩn bị thì hiệu quả thực hiện sẽ bị hạn chế. Cùng với các hoạt động về biên soạn chương trình, SGK của Bộ GD-ĐT, các địa phương cần tích cực chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất nhằm thực hiện chương trình mới một cách tốt nhất.

Tin cùng chuyên mục