Thúc đẩy vốn để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển

Trong cuộc khảo sát về năng lực sản xuất do Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thực hiện cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhỏ Việt Nam khó có thể cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại khi tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sản xuất tại Công ty SG Food. Ảnh: THÀNH TRÍ
Sản xuất tại Công ty SG Food. Ảnh: THÀNH TRÍ

Hơn 98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô sản xuất vừa và nhỏ. Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam gia nhập sâu rộng thị trường thế giới nhưng đồng thời cũng mở toang cánh cửa thị trường nội địa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải đối mặt cuộc cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp ngoại. Đặc biệt với những doanh nghiệp tập trung thị phần tiêu thụ tại nội địa

Nghiệt ngã chất lượng và giá thành

Trong cuộc khảo sát về năng lực sản xuất do Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) thực hiện cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhỏ Việt Nam khó để có thể cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại khi tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Lý giải thực tế này, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch VASI, khẳng định doanh nghiệp Việt không phải không sản xuất được các sản phẩm phụ trợ đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Chỉ có điều không thể sản xuất sản phẩm chất lượng quốc tế với giá thu mua của các tập đoàn sản xuất sản phẩm đầu cuối. Không chỉ vậy, trước khi xét đến chất lượng và giá thành sản phẩm, doanh nghiệp phải trải qua khâu đánh giá quy trình sản xuất, trình độ quản trị doanh nghiệp và hàng loạt tiêu chuẩn yêu cầu về trách nhiệm xã hội như an toàn môi trường, lao động… Chỉ với khâu đánh giá này đã có đến hơn phân nửa doanh nghiệp Việt Nam không đạt yêu cầu. Đến khâu xét chọn chất lượng cộng thêm giá thành thì gần như phần lớn doanh nghiệp Việt đều bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Đồng quan điểm trên, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM, chia sẻ, hiện thành phố xây dựng được gần 30 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn Samsung và số ít tập đoàn sản xuất sản phẩm đầu cuối khác. Tuy nhiên, để có thể làm được như vậy phải nhờ đến sự hỗ trợ từ chính các tập đoàn sản xuất đầu cuối đó. Theo đó, Sở Công thương TPHCM phải tiến hành bước khảo sát, thống kê những doanh nghiệp sản xuất có tiềm năng về nội lực và tài chính. Sau đó, tập đoàn sản xuất sản phẩm đầu cuối, tùy theo nhu cầu cung ứng của mình sẽ cử chuyên gia làm việc trực tiếp với doanh  nghiệp để cải thiện quy trình sản xuất, chất lượng và giá thành sản phẩm. Ít nhất, mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực cả năm để đổi mới lại mình và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng với những vị trí thứ cấp. 

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tham gia lĩnh vực sản xuất ngành hàng tiêu dùng nhanh thì lại không được may mắn như thế. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Saigon Food, cho biết: “Thời gian qua có nhiều sản phẩm ngoại nhập cạnh tranh thông qua các hệ thống siêu thị nước ngoài. Ngược lại, sản phẩm của doanh nghiệp nội lại không thể có mặt tại hệ thống phân phối ngoại. Đại diện nhiều hệ thống phân phối ngoại đã cam kết với Chính phủ sẽ không có sự phân biệt đối xử giữa hàng trong nước và hàng ngoại nhập từ chính nước họ. Trên thực tế, những chính sách họ đề ra để doanh nghiệp nội đưa vào hàng cũng không phải quá khó. Vấn đề khó ở đây doanh  nghiệp nội không thể duy trì và phát triển hàng với mức chiết khấu, các loại phí thường quá cao. Rất nhiều doanh nghiệp nội phải tự động rút hàng ra và dĩ nhiên không ngoại trừ hàng của Saigon Food”. 

Đại diện nhiều doanh nghiệp khác cũng thừa nhận họ đang mất dần thị phần tiêu thụ tại các đô thị lớn, có mật độ dân cư cao. Để tồn tại, doanh nghiệp phải đẩy hàng về tiêu thụ tại các khu vực nông nông, vùng cao. Thế nhưng, thời gian gần đây doanh nghiệp nội lại tiếp tục gặp khó vì hàng tiểu ngạch, hàng giá rẻ nhập khẩu và nhập lậu từ Trung Quốc ồ ạt sang nước ta. 

Tiếp sức doanh nghiệp

Ở góc độ hiệp hội, ngành nghề, theo ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, rào cản lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu vốn. Đây là yếu tố chính khiến các doanh nghiệp không thể thay đổi công nghệ sản xuất, cải thiện đầu tư, nâng cao chất lượng và gia tăng nội lực cạnh tranh về giá thành sản phẩm trên thị trường… Với cách hỗ trợ vốn phải có tài sản thế chấp như hiện nay thì cũng rất ít doanh nghiệp có cơ hội đổi mới được sản xuất. Nhất thiết phải thay đổi hình thức hỗ trợ vốn hiện nay theo hướng cơ quan quản lý nhà nước và các ngân hàng chia sẻ rủi ro đầu tư với doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp phải xây dựng đề án phát triển khả thi và được hội đồng tài chính thẩm định chặt chẽ. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ tính riêng tại TPHCM, từ năm 2017 đến nay, Sở Công thương TP đã thực hiện rà soát và phân loại doanh nghiệp cần được hỗ trợ theo từng ngành nghề. Kế đến, xây dựng chính sách hỗ trợ vốn và phát triển thị phần phù hợp với loại hình sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất. Sở đã triển khai chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp khởi nghiệp. Tính đến nay, chương trình đã cho 12.177 khách hàng vay 224.905 tỷ đồng. Về phía tín dụng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã ký kết hỗ trợ nguồn vốn lên đến 15.300 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi tối đa cho nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhằm đồng hành, hỗ trợ các đơn vị này có thêm điều kiện phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh. Tương tự, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng giới thiệu dự án “Hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp - VPBank Strarup” với tổng giá trị 1 triệu USD… 

Trên thực tế, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh đã ngày càng được cải thiện. Các cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thuận lợi sẽ tạo nền tảng vững chắc cho cả doanh nghiệp lớn đến các hộ kinh doanh, tiểu thương phát triển. Tuy nhiên, bà Lê Thị Thanh Lâm cho rằng, để giữ cho doanh nghiệp phát triển bền vững, ngoài những chính sách, giải pháp hỗ trợ từ các bộ ngành liên quan, doanh nghiệp cũng phải không ngừng đầu tư nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, sáng tạo sản phẩm mới kết hợp cải tiến trang thiết bị, bao bì, chất lượng sản phẩm theo hướng cạnh tranh, an toàn hơn cho người tiêu dùng. Về phía cơ quan chức năng cần nhanh chóng ổn định chính sách vĩ mô, kết hợp thay đổi tư duy đúng nghĩa là cơ quan phục vụ cho doanh nghiệp. Mặt khác, siết chặt rào cản kỹ thuật, hạn chế tình trạng hàng gian, hàng giả, nhất là hàng giả thương hiệu Việt Nam chất lượng cao để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho hàng Việt và cũng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển.

Tin cùng chuyên mục