Thúc đẩy tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 19/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam.

Chỉ thị nêu rõ, vùng KTTĐ phía Nam là vùng kinh tế động lực đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học chất lượng cao của cả nước và khu vực, là trung tâm giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời là trung tâm chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ hàng đầu của cả nước; thực hiện vai trò cầu nối với các khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên mà hạt nhân là TPHCM; phấn đấu đến năm 2025 có 7/8 tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ phía Nam có điều tiết về ngân sách trung ương. Để đạt được những mục tiêu trên, chỉ thị nêu ra các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; liên kết các ngành, lĩnh vực và nguồn lực.

Về cơ chế, chính sách, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư công, làm cơ sở thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư công và khuyến khích kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; đề xuất phương án hoàn thiện cơ chế điều phối hoạt động vùng KTTĐ để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các thành viên hội đồng vùng, trong đó phân định rõ trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa ban chỉ đạo, các hội đồng vùng, các bộ, ngành và địa phương trong vùng, báo cáo Thủ tướng trong quý 4-2019. Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn chỉnh quy định về phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản; phí sử dụng kết cấu hạ tầng, giá phí sau đầu tư, có sự điều tiết của Nhà nước tuân thủ nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, báo cáo Thủ tướng trong năm 2020. 

Đồng thời triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo; tạo cơ hội cho hộ nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp về đất đai, tín dụng, dạy nghề; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập để thoát nghèo bền vững; thực hiện hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách bảo hiểm nông nghiệp, chính sách khuyến nông.

Để tạo liên kết các ngành, lĩnh vực trong vùng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, các dự án kết nối trong khu vực, đặc biệt là cao tốc Bến Lức - Long Thành, phấn đấu khởi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong quý 4-2020; chỉ đạo thông tuyến kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Mỹ Thuận - Cần Thơ trong năm 2021; chú trọng đầu tư đường thủy nội địa kết nối vận tải thủy đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ, đẩy mạnh phát triển vận tải thủy với Campuchia. Lấy TPHCM và gắn kết với trục cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Long Thành làm trung tâm và phát triển lan tỏa ra các khu vực lân cận. Xây dựng Đề án phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia tại TPHCM, báo cáo Thủ tướng trong tháng 10-2019.

Để phát triển nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn, úng ngập tại TPHCM và một số đô thị lớn trong vùng, ưu tiên giải quyết trước hết các điểm nút chính, nơi tập trung mật độ dân cư cao tại các đô thị trung tâm. UBND các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ phía Nam chủ động huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, tạo ra liên kết vùng; ưu tiên đầu tư cho các công trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng nhưng khó thu hút nhà đầu tư bên ngoài; tăng cường thu hút kêu gọi đầu tư theo các hình thức PPP, xã hội hóa..., đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, phát huy lợi thế về giao thông đường thủy của vùng.

Tin cùng chuyên mục