Thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát

Chính phủ vừa kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 8, nhận định tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có diễn biến tích cực hơn; chiều hướng tháng sau tốt hơn tháng trước.
 Kinh tế vĩ mô được duy trì; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; lãi suất ổn định, tín dụng tăng trưởng khá. Theo đánh giá chung, không khí làm ăn, mua bán, du lịch sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016…
Đó là những điểm tích cực, tuy nhiên cũng nổi lên một số vấn đề: CPI bình quân 8 tháng đầu năm nay tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu thì 10 nhóm có chỉ số giá tháng 8 tăng so với tháng trước. Cụ thể, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 2,86%.
Trong tháng 8 có 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế đối với đối tượng không có thẻ BHYT; giá dịch vụ y tế tăng làm CPI tăng khoảng 0,14%. Nhóm giao thông tăng 2,13% do ảnh hưởng từ hai đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, làm CPI tăng khoảng 0,2%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,06%, trong đó lương thực tăng 0,31%, thực phẩm tăng 1,64% do giá thịt heo và rau xanh tăng mạnh. Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,93%. Giáo dục tăng 0,57% do trong tháng có 5 tỉnh, thành thực hiện lộ trình tăng học phí.
Vấn đề đáng quan tâm đang nổi lên là về thuế, phí đối với doanh nghiệp. Một số phí như phí BOT còn cao, đặt trạm thu phí còn bất hợp lý, gây bức xúc (tính toán cho thấy doanh nghiệp đang phải chịu tới 70 loại phí vận tải). Năm học mới 2017 - 2018 bắt đầu, việc tăng học phí cũng như các chi phí giáo dục cũng là nguy cơ tác động tới lạm phát… Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách giá phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Tập trung điều hành tỷ giá linh hoạt hơn nữa, giảm lãi suất tín dụng cho vay phù hợp với diễn biến lạm phát trên tinh thần từ nay tới cuối năm phải giảm tiếp 0,5% lãi suất cho vay. Thực hiện kiểm soát tốt tăng trưởng tín dụng nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả và mục tiêu kiểm soát lạm phát. 
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT rà soát lại mức phí và thời gian thu phí, kiến nghị các giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9. Rà soát, khắc phục sớm tình trạng có quá nhiều loại phí liên quan đến giao thông; xử lý nghiêm các vi phạm, chống lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT giao thông. Tăng cường chống thất thu thuế, phí; triệt để thực hành tiết kiệm chi, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính. Đặc biệt, trên tinh thần của năm 2017 là năm giảm thuế, phí, Thủ tướng yêu cầu trước mắt chưa đề cập đến việc tăng thuế, phí ảnh làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh.
Như vậy có thể thấy, nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng đi liền với đó là kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là quyết tâm rất cao của Chính phủ. Để thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành cần chủ động phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT; kiểm soát tốt thị trường, giá thuốc chữa bệnh… Cùng với đó, cần rà soát các chỉ tiêu về thu chi ngân sách, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo các cân đối lớn của tài chính. Trong đó, quyết liệt chống thất thu, gian lận, nợ đọng thuế, chống lạm thu, khuyến khích nuôi dưỡng nguồn thu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần thể hiện rõ hơn tinh thần tái cơ cấu ngân sách mạnh mẽ, tăng chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, giảm mạnh chi thường xuyên, với nhiều hình thức tiết kiệm chi, đẩy mạnh khóan chi… Mục tiêu là phải bảo đảm ngân sách Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, chống thất thóat, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực như Thủ tướng đã yêu cầu, từ đó bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát. 

Tin cùng chuyên mục