Thua kiện vì mua nhà đất kiểu “lách luật”

Tòa án Nhân dân (TAND) cấp cao tại TPHCM vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa ông H. (Việt kiều) và bà K. (30 tuổi). 
Theo hồ sơ, tháng 11-2012, ông H. mua 132m² đất cùng căn nhà trên nền đất ở huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) với giá 300 triệu đồng. Thời điểm này, Nhà nước chưa cho phép người nước ngoài đứng tên nhà đất nên ông nhờ bà K. (khi ấy là người yêu của ông) đứng tên trên giấy tờ sở hữu.
Đến năm 2014, ông H. chuyển tổng cộng 22.400USD cho bà K. để sơn sửa, hoàn thiện căn nhà. Sau đó, hai người phát sinh mâu thuẫn. Ông H. yêu cầu bà K. trả lại đất, nhà và toàn bộ số tiền sửa nhà. Tuy nhiên, bà K. không đồng ý. Năm 2015, ông H. khởi kiện, yêu cầu bà K. trả 132m2 đất và căn nhà, cùng tiền sửa chữa. Người bán và người môi giới đều xác định ông H. là người trực tiếp trả số tiền mua nhà, đất.
Ngoài ra, năm 2013, sau khi phát sinh mâu thuẫn, hai người đã ký một bản hợp đồng có nội dung bà K. chuyển nhượng lại tài sản trên cho ông H. với giá 300 triệu đồng. 
Tại tòa sơ thẩm, bà K. trình bày bà vay chị ruột 300 triệu đồng để mua miếng đất và căn nhà trên. Bị đơn khẳng định số tiền mua tài sản không hề liên quan đến nguyên đơn. Giữa ông H. và bà K. có ký hợp đồng mua - bán nhà đất nhưng không ghi ngày, tháng, năm vì hợp đồng chưa thực hiện.
Tại phiên xử sơ thẩm, TAND tỉnh Long An căn cứ lời khai của nhân chứng, tuyên bị đơn được quyền sử dụng đất và nhà nhưng phải hoàn trả nguyên đơn 300 triệu đồng. Về số tiền 22.400USD, ông H. có cung cấp một số bản photo giấy chuyển tiền, nhận tiền; nhưng không có công chứng, chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan thẩm quyền. HĐXX cho rằng đây không được coi là chứng cứ theo quy định pháp luật hiện hành, nên quyết định bà K. không có nghĩa vụ trả ông H. số tiền trên.
TAND cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm đã sửa bản án, bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Không đồng tình với cấp sơ thẩm, HĐXX phúc thẩm nhận định việc sử dụng lời khai của người bán và người môi giới để chấp nhận nội dung khởi kiện là không hợp lý. Cụ thể, hồ sơ vụ việc có giấy tờ đặt cọc và hợp đồng giao tiền do bà K. ký tên. Điều này chứng tỏ bà K. có thực hiện giao dịch mua - bán.
Như vậy, đối chiếu theo lời khai người bán thì ông này đã nhận tiền 2 lần, cả từ nguyên đơn lẫn bị đơn. Thông thường, tòa chỉ sử dụng lời khai nhân chứng khi không có chứng cứ nào khác và lời khai đó phù hợp với toàn bộ diễn biến sự việc. Do đó, HĐXX phúc thẩm quyết định bị đơn không phải hoàn trả 300 triệu đồng tiền mua tài sản và 22.400USD. 
Hiện Luật Nhà ở năm 2014 đã cho phép người nước ngoài và Việt kiều được mua nhà, đất với số lượng theo quy định. Chính vì vậy, để tránh xảy ra tranh chấp như câu chuyện giữa ông H. với bà K., Việt kiều hay người nước ngoài không nên nhờ người khác đứng tên trong giao dịch mua - bán hay giấy tờ sở hữu bất động sản.

Tin cùng chuyên mục