Thủ tướng yêu cầu phải dành đất xây trường học chứ không đem xây trung tâm thương mại ​hết

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các địa phương ít quan tâm đến đất cho xây trường học, có mảnh đất nào "ngon" thì đem xây trung tâm thương mại, nhà ở hết. Công nhân, người lao động rất khổ khi không có trường để gửi con.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020

Ngày 6-8, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020. Sự kiện diễn ra ngay trước thềm năm học mới. Năm học 2018-2019, cả nước có hơn 23,5 triệu học sinh, sinh viên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả mà ngành giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua, trong đó có việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2019 an toàn, khách quan. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những bức xúc hiện nay của ngành giáo dục, khiến xã hội chưa yên tâm.

Một số giải pháp lớn được Thủ tướng nêu ra, trong đó có việc địa phương phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống các trường mầm non, phổ thông, tạo điều kiện cho con em và người dân. Địa phương phải bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học.

Theo Thủ tướng, các địa phương ít quan tâm đến đất cho xây trường học, có mảnh đất nào "ngon" thì đem xây trung tâm thương mại, nhà ở hết. Công nhân, người lao động rất khổ khi không có trường để gửi con.
Thủ tướng yêu cầu phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, bảo đảm đủ trường lớp, tạo thuận lợi cho người học. Các địa phương phải bố trí đủ quỹ đất cho trường lớp, nhất là mầm non, phải bảo đảm đủ trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Một vấn đề nữa mà Thủ tướng chỉ ra, đó là chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, nhất là ở nhiều ngành mũi nhọn của đất nước như nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ...

“Đào tạo là phải phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước”, Thủ tướng chỉ rõ.

Đẩy mạnh sắp xếp lại các trường sư phạm, tập trung đầu tư cho sư phạm trọng điểm như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM, những trường khác là vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho địa phương, trường sư phạm phải là những "máy cái" chất lượng của ngành giáo dục, đào tạo ra nhà giáo dục, không phải là thợ dạy.

Thực hiện tự chủ đại học, các trường đại học phải tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo, trường nào yếu kém quá thì phải sáp nhập, giải thể, không thể đào tạo tràn lan, kém chất lượng, "vơ bèo vặt tép".

“Những trường nào tìm đủ mọi cách để tuyển sinh cần xem lại. Phải có lộ trình kiên quyết với các trường chất lượng thấp. Bộ GD-ĐT trình Thủ tướng đóng cửa một số trường đại học yếu kém kéo dài, không thể để lâu. Bộ GD-ĐT đóng cửa những ngành đào tạo kém chất lượng”, Thủ tướng nói rõ.

Về giáo viên, Thủ tướng yêu cầu địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa - thiếu cục bộ hiện nay. Có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục rà soát, tinh gọn hiệu quả đội ngũ phục vụ tại các trường học. Chấn chỉnh tình trạng một bộ phận giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.

Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục tình trạng quá tải sĩ số lớp học, không chấp nhận lớp có tới 60 học sinh. Chú trọng dạy học sinh làm người tử tế để hạn chế những vi phạm về đạo đức.

Đặc biệt, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của gia đình – nhà trường và xã hội; trong đó nhà trường đóng vai trò trung tâm. Thủ tướng đồng thời đưa ra yêu cầu cụ thể cho các bộ, ban, ngành đoàn thể liên quan nhằm làm tốt vấn đề này.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh giải pháp tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tự chủ đại học, trong đó có vấn đề hội đồng trường; nghiên cứu cơ chế thí điểm trường mầm non, phổ thông có điều kiện thực hiện tự chủ chi thường xuyên.

Bộ GD-ĐT nghiên cứu để nhân rộng những mô hình trường phổ thông chất lượng cao thực hiện tự chủ, trong đó lưu ý không phải vì tự chủ mà bị thị trường chi phối, bỏ qua các nguyên lý giáo dục mà Đảng, Nhà nước, Bác Hồ đã đưa ra; quan tâm đến giáo dục miền núi, phát huy vai trò của các hội khuyến học… 

Tin cùng chuyên mục