Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nhà nước sử dụng cơ chế đặt hàng để báo chí phát triển

Chiều 19-6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Cùng dự có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thuận Hữu, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân và nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí.  
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời tri ân đến các nhà báo lão thành và  những người làm báo đã có đóng góp rất lớn đối với báo chí cách mạng Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, bối cảnh hiện nay có quá nhiều thay đổi, quá trình hội nhập, công nghệ phát triển như vũ bão, cơ chế thị trường… đã tác động lớn đến sự phát triển của báo chí. Nhưng báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. 

Báo chí đã đồng hành cùng đất nước, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, tích cực đưa tin, phản ánh phong phú mọi mặt của đất nước, đi đầu trên lĩnh vực phòng chống tham nhũng, lãng phí... góp phần tích cực vào thắng lợi của đất nước trong những năm qua.

Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn mà báo chí đang đối mặt hiện nay. Trong đó có việc quảng cáo báo chí đang bị sụt giảm nhanh do cạnh tranh từ mạng xã hội. Nhân lực còn cồng kềnh, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Cùng với đó, công nghệ thay đổi quá nhanh, báo chí nước ta chưa thích ứng kịp. Một bộ phận trong xã hội coi thông tin trên mạng xã hội cũng là thông tin báo chí. Chính sách báo chí cũng còn nhiều bất cập, cần tiếp tục xem xét hoàn thiện, nhất là xem xét lại một số chính sách về tài chính cho báo chí.

Thủ tướng cũng chỉ ra một tồn tại lớn hiện nay của báo chí là đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái còn hạn chế, bất cập. Thậm chí có một số trường hợp báo chí chạy theo thông tin của mạng xã hội, để mạng xã hội chi phối. Còn tình trạng hai mặt trong một số phóng viên, nhà báo. Một số nhà báo chưa bám sát tôn chỉ, mục đích của tờ báo... “Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý, tổng biên tập các tờ báo phải quản lý chặt chẽ hơn đối với phóng viên”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, báo chí phải phản ánh trung thực dòng chảy cuộc sống. Đấu tranh với những thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc để cán bộ đảng viên, nhân dân tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước. Báo chí phải tiên phong trong việc đấu tranh, loại bỏ những thông tin xấu độc trên mạng xã hội, điều đó khẳng định vai trò, sứ mệnh của báo chí. Cần có nhiều hơn những phóng sự, điều tra, những bài bình luận sắc sảo, những đề xuất phát triển đất nước. Một trong nhiệm vụ trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu thực hiện hiệu quả quy hoạch báo chí.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tạo cơ chế mới cho báo chí phát triển. “Nhà nước sẽ sử dụng cơ chế đặt hàng để thiết kế một chính sách tạo điều kiện cho báo chí hoạt động. Chính phủ giao các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xem xét để trình điều chỉnh các chính sách với báo chí”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu trước đó, các ý kiến của lãnh đạo các cơ quan báo chí chủ lực đều cho rằng, sự bùng nổ hiện nay của mạng xã hội là một thách thức lớn của báo chí. Ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, báo chí hiện nay phải cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội cả về thông tin, quảng cáo, do đó Chính phủ cần có những gói hỗ trợ báo chí phát triển, hỗ trợ không phải theo kiểu bao cấp mà theo cơ chế đặt hàng, cơ quan nào làm tốt thì được hỗ trợ. 

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, những kiến nghị của các báo về những vấn đề hiện nay của báo chí, nếu được giải quyết được sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho báo chí phát triển. Ví dụ thuế cho báo chí, cần giảm xuống, vì báo chí cách mạng phải khác với công ty truyền thông. Với việc đặt hàng báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay 50% quảng cáo của báo chí rơi vào mạng xã hội, vì thế báo chí rất khó khăn, do đó phải đặt hàng báo chí tuyên truyền.

Tin cùng chuyên mục