Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu gỗ của thế giới

Sáng 22-2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Diễn đàn về ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - thành công và bài học kinh nghiệm, giải pháp bứt phá trong năm 2019, do Bộ NN-PTNT tổ chức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian trưng bày sản phẩm gỗ, lâm sản. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian trưng bày sản phẩm gỗ, lâm sản. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng đánh giá cao sự bứt phá của ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam trong năm 2018; khen ngợi Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan có sáng kiến tổ chức diễn đàn ngay từ đầu năm để tiếp tục tìm giải pháp bứt phá cho năm 2019.

Ghi nhận những thành tích vượt bậc của ngành lâm nghiệp, chúng ta đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ rừng trồng, Thủ tướng nhấn mạnh, điều đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu, gỗ tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay phần lớn là từ rừng trồng, từ đó hạn chế dần gỗ nhập khẩu và chúng ta đã nghiêm cấm khai thác gỗ trồng tự nhiên.

Mặc dù vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế như số lượng thì lớn nhưng quy mô của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ còn nhỏ, sản phẩm chưa có thương hiệu, sản lượng xuất khẩu mới chiếm 6% thị phần thế giới là còn thấp…

Tại diễn đàn này, Thủ tướng tiếp tục đặt hàng Bộ NN-PTNT trong 10 năm tới, Việt Nam phải vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm hàng đầu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ, có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.

Thủ tướng đặt vấn đề, hiện nay nhu cầu đồ gỗ của thế giới là 430 tỷ USD, riêng giá trị thương mại nội thất và ngoại thất khoảng 150 tỷ USD. Vậy theo tốc độ phát triển hiện nay thì sau 10 năm nữa, chúng ta có thể chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần toàn cầu, có đủ để trở thành một trong những nước đứng hàng đầu và là trung tâm sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trên thị trường thế giới được không?

Đề cập tới các giải pháp cụ thể để “tiếp sức” cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, lâm sản trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải củng cố để có nguồn nguyên liệu đủ lớn, hợp pháp từ rừng trồng cho sản xuất đồ nội thất xuất khẩu, giúp doanh nghiệp liên tục xuất siêu ở mức cao. Các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản cần ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ tự động, đổi mới thiết bị, thiết kế mẫu mã đẹp và đa dạng, tận dụng được tối đa nguyên liệu, tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, xây dựng thương hiệu quốc gia và thương hiệu cho sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.

Về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản năm 2019 là 11 tỷ USD mà Bộ NN-PTNT đề ra, Thủ tướng cho rằng quá thấp và yêu cầu tìm giải pháp để tăng cao hơn con số này. Để biến Việt Nam thực trở thành một công xưởng của thế giới, Thủ tướng cho rằng chúng ta cần kêu gọi, hợp tác thật nhiều với các doanh nghiệp trên thế giới, như vậy mới có thể thực hiện được khát vọng đưa ngành chế biến lâm sản Việt Nam tiến bước xa hơn.

Để chủ động được nguồn nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản, không xâm hại rừng tự nhiên, Thủ tướng yêu cầu cần phát huy thế mạnh rừng và đất rừng thông qua trồng rừng, chế biến lâm sản và coi đây là giải pháp bứt phá.

Thủ tướng cho biết, đã quyết định giao Bộ NN-PTNT thảo luận với Bộ Tài chính để tìm ra phương thức hỗ trợ trồng rừng cho các tỉnh có đất trồng rừng, với dự kiến khoảng 100.000 tấn gạo để người dân trồng rừng, không chỉ bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế mà còn để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam.

Theo Bộ NN-PTNT, vào năm 2005, kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Việt Nam mới đạt 1 tỷ USD nhưng đến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt tới 9,382 tỷ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt trên 7,1 tỷ USD. Sản phẩm của Việt Nam đã có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là doanh nghiệp tư nhân; 3,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu đạt trên 1.800 doanh nghiệp, tăng hơn 300 doanh nghiệp so với năm 2017.

Chiều cùng ngày, tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; lãnh đạo bộ, ban ngành trung ương và lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã dự lễ khánh thành Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên của Tập đoàn TH. 

Đây là nhà máy có quy mô đầu tư 1.177 tỷ đồng, khởi công từ tháng 8-2017, thi công xây dựng theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Với tổng công suất 76.000 chai/giờ, Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên là nhà máy có công suất lớn và hiện đại nhất khu vực miền Trung. 

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng nhì tặng Công ty cổ phần sữa TH. Kết thúc buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh hồi trống dài phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và cùng lãnh đạo bộ, ban ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, cán bộ công nhân viên Tập đoàn TH trồng cây trong khuôn viên Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược, hoa quả Núi Tiên.

Tin cùng chuyên mục