Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đưa “quốc bảo” sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với tiềm năng, thị trường, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem các gian hàng trưng bày sản phẩm về sâm Ngọc Linh Kon Tum
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem các gian hàng trưng bày sản phẩm về sâm Ngọc Linh Kon Tum

Ngày 6-9, tại TP Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum cùng Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị “Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh  Kon Tum và các dược liệu khác”. Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố, các tổ chức khoa học, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư. 

Sản phẩm quốc gia

Theo UBND tỉnh Kon Tum, sâm Ngọc Linh đã được công nhận là sản phẩm quốc gia và được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm củ sâm của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý cho tất cả 16 xã thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Tỉnh Kon Tum hiện đã phát triển được trên 500ha sâm Ngọc Linh, trong đó diện tích của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh khoảng 470ha, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô khoảng 15ha và một số diện tích do người dân trồng rải rác tại vùng quy hoạch. Các doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến để cho ra đời những sản phẩm sâm Ngọc Linh thương mại đầu tiên dạng viên ngậm, tinh sâm, trà sâm, sâm sấy khô. Cũng theo UBND tỉnh Kon Tum, trên địa bàn hiện đã định hình và phát triển 4 khu vực nuôi trồng, nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển cây dược liệu. Tỉnh đã thu hút được 17 dự án đầu tư phát triển dược liệu với tổng vốn đầu tư 11.229 tỷ đồng trên quy mô 7.800ha. 

Theo ông Trần Hoàn, Giám đốc Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, do khan hiếm nên sâm Ngọc Linh thường bị đẩy giá cao, từ 60 triệu đồng lên đến hàng trăm triệu đồng/kg. Chính vì vậy, sâm Ngọc Linh đang bị làm giả. Một số cá nhân và doanh nghiệp sử dụng hạt giống và củ có hình dạng giống với sâm Ngọc Linh mang từ Trung Quốc vào vùng Kon Tum và Quảng Nam bán cho người dân đang có nhu cầu mua cây giống để trồng. Điều này dẫn đến nguy cơ rất lớn đối với vùng sâm gốc của núi Ngọc Linh. Khi những người dân mua phải hạt giống không đúng trồng trong vùng chỉ dẫn Ngọc Linh sẽ khiến cho cây sâm Ngọc Linh gốc bị lai tạp, dần dần sẽ bị mất nguồn gen gốc của loài sâm đặc hữu chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh. Công ty đang đề nghị các cấp ban ngành vào cuộc một cách mạnh mẽ nhằm ngăn chặn việc làm này.

Hướng đến cây tỷ đô

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sâm Ngọc Linh là món quà của núi rừng linh thiêng đã ban tặng. Chúng ta có thể đưa quốc bảo sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh, tạo ra nhiều sản phẩm, chế phẩm từ sâm Ngọc Linh, giải quyết việc làm và thu ngân sách cho các địa phương, đồng thời bảo tồn được nguồn gen quý hiếm. 

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với tiềm năng, thị trường, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam. Mục tiêu không phải vài chục tỷ đồng sau mỗi phiên chợ mà tiến tới là tỷ đôla giá trị xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ, đòi hỏi chúng ta phải linh động, bài bản, không để cho từng địa phương như Kon Tum, Quảng Nam tự bơi. Thủ tướng lưu ý một số hướng đi, cách làm để ngành công nghiệp sâm Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, mà đầu tiên là tập trung vào sâm Ngọc Linh.

Yêu cầu đối với sâm Ngọc Linh là vừa bảo tồn vừa phát triển, đạt chất lượng cao hơn. Ở giai đoạn đầu, cần định dạng chiến lược sản phẩm theo hướng phát huy các giá trị vượt trội và tính chất khác biệt của sâm Ngọc Linh so với các loại sâm và sản phẩm tương tự khác. Tiếp theo là nâng tầm giá trị về mặt kinh tế và sức khỏe. Khi đạt được điều kiện sản lượng, quy mô, về sự công nhận thương hiệu sâm Ngọc Linh vượt ra khỏi biên giới Việt Nam thì cần có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. 

Ngoài ra, cần bảo vệ nguồn gen thuần chủng của sâm Ngọc Linh, bảo đảm không bị lai tạp hay nhầm lẫn với các loại sâm khác; cần bảo hộ được thương hiệu sâm Ngọc Linh trên thị trường quốc tế và trong nước; tận dụng các điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong trồng trọt, chế biến, phát triển. Đặc biệt kiểm tra đầu ra của sâm Ngọc Linh, xử lý nghiêm việc làm giả sản phẩm sâm Ngọc Linh; kêu gọi các doanh nghiệp trong nước có tâm huyết, tầm nhìn và tiềm lực tham gia vào sứ mệnh phát triển sâm Ngọc Linh, đặc biệt khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết, để cùng nhau cộng hưởng sức mạnh. 

Đối với tỉnh Kon Tum, Thủ tướng cho rằng, địa phương cần chủ động chuyển mình nhanh chóng để trở thành vùng trồng, chế biến dược liệu tập trung của quốc gia, coi đó thực sự là một mũi nhọn chiến lược. Thủ tướng đồng ý cho Kon Tum thực hiện thí điểm sử dụng môi trường rừng, đất dưới tán rừng để trồng dược liệu, tuy nhiên phải đảm bảo nghiêm ngặt việc duy trì bảo vệ môi trường rừng, vừa có dược liệu, vừa bảo vệ rừng.

Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT cùng Kon Tum tính toán cụ thể, giúp tỉnh sớm triển khai thực hiện. Giao các bộ ngành Trung ương hỗ trợ Kon Tum, Quảng Nam cũng như các tỉnh Tây Nguyên quy hoạch bảo tồn đầu tư và phát triển các vùng dược liệu tập trung khác, các vùng chuyên canh gắn chế biến và tiêu thụ, trước mắt thực hiện đối với 10 loại dược liệu chủ lực. Thủ tướng cũng yêu cầu các công ty dược phẩm, các nhà thuốc đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh vào hệ thống phân phối trên cơ sở nhu cầu và chất lượng sản phẩm.

Sâm Ngọc Linh là loài sâm được xếp tốp 4 loài sâm tốt nhất trên thế giới. Điểm quan trọng làm nên giá trị cao của sâm Ngọc Linh là trong thành phần có tới 52 loại saponin khác nhau; trong đó, ngoài 26 loại có cấu trúc hóa học thường thấy trong các loại sâm khác như sâm Hàn Quốc, sâm Nhật Bản, sâm Tây Dương, còn có 26 loại saponin có cấu trúc mới, riêng có ở sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh cũng như hầu hết những dược liệu có giá trị kinh tế cao đều là những lâm sản ngoài gỗ, phát triển dưới tán rừng. Với cây sâm Ngọc Linh, theo ước tính với chi phí ban đầu bỏ ra 3 tỷ đồng/ha, sau 5 năm có thể thu về 30 tỷ đồng. Nhiều địa phương đang muốn di thực giống sâm Ngọc Linh về trồng. Tuy nhiên, đây là loài cây đặc hữu, mọc ở những nơi cố định (chỉ phát triển dưới tán rừng già quanh chân núi Ngọc Linh) và đòi hỏi điều kiện thổ nhưỡng, kế đến là độ che phủ, điều kiện khí hậu. Vì thế, sâm Ngọc Linh được trồng ở độ cao 1.200 - 2.000m nhưng nếu đem trồng ở những nơi khác có cùng độ cao thì không phát triển được.

Tin cùng chuyên mục