Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Canada: Thêm nhiều cơ hội làm ăn mới

Tiếp tục chương trình tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada, sáng 9-6, tại bang Québec, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự sự kiện Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Canada.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến trao bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến trao bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước
 Đây là hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn nhân dịp hai nước kỷ niệm 45  năm thiết lập quan hệ ngoại giao với sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và Canada. 

Nền kinh tế năng động

Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu đến các nhà đầu tư Canada về một nền kinh tế Việt Nam năng động, môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện và luôn chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó có những con số ấn tượng như tăng trưởng kinh tế cao, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 425 tỷ USD, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt trên 37 tỷ USD năm 2017, thu nhập bình quân theo ngang giá sức mua là 6.800 USD. 

Thủ tướng thông tin các nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam đều đánh giá cao về hiệu quả đầu tư tại Việt Nam, nhất là về độ mở nền kinh tế với việc tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do toàn cầu. Gần đây là tháng 3 vừa qua, Việt Nam và Canada là một trong số các quốc gia thành viên đã ký và đang tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, tạo điều kiện cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của Canada vào Việt Nam sẽ được miễn giảm thuế… 

Đưa ra nhiều cơ hội hợp tác cho các nhà đầu tư Canada, Thủ tướng thông tin Việt Nam đang tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, kể cả những lĩnh vực quan trọng như hàng không, điện lực, dầu khí, viễn thông, hạ tầng giao thông. Đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Canada nói chung, thành phố Québec nói riêng tham gia mua cổ phần, trở thành đối tác cổ đông chiến lược. 

Gợi mở tiềm năng hợp tác 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trên tinh thần Tuyên bố chung giữa hai nước, Việt Nam xác định Canada là đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ. Thủ tướng cho rằng, mức kim ngạch thương mại hai chiều hiện nay trên 6 tỷ USD chưa đáp ứng được mong đợi và mức 3,5 tỷ USD về đầu tư chưa thể hiện rõ năng lực của các nhà đầu tư Canada vào Việt Nam. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Canada: Thêm nhiều cơ hội làm ăn mới ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp Thủ hiến bang Quebec Philippe Couillard. Ảnh: TTXVN 
 Ngay tại Tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của các nhà đầu tư Canada. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng nhà đầu tư nước ngoài, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Việt Nam tiếp tục kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, không chỉ là số lượng mà còn coi trọng cả chất lượng, đặc biệt là sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chuỗi giá trị toàn cầu, những dự án bảo vệ môi trường cho người dân và xã hội tốt nhất… Các nhà đầu tư Canada cũng đặt các câu hỏi về giải pháp thúc đẩy thương mại hai nước; vấn đề đào tạo lao động có trình độ và ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. 

Về vấn đề đào tạo lao động, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với 60% là lực lượng lao động trẻ. Việt Nam đã xuất khẩu hàng năm hàng trăm ngàn lao động và đều qua đào tạo ngoại ngữ. Là quốc gia thành viên Cộng đồng Pháp ngữ, bên cạnh tiếng Anh, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đào tạo tiếng Pháp và một số ngôn ngữ quốc tế khác nhằm mục tiêu tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. 

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Thủ hiến bang Québec Phillippe Couilard. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Toàn quyền Canada Julie Payette. Về vấn đề biển Đông, hai nhà lãnh đạo ủng hộ bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nỗ lực sớm hoàn tất COC thực chất.

Tin cùng chuyên mục