Thu - chi vẫn nhiều bất ổn

Chiều 21-5, Quốc hội đã nghe các báo cáo của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và thẩm tra về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách 2016. Ảnh: QUOCHOI.VN
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách 2016. Ảnh: QUOCHOI.VN

Thu ngân sách tăng nhưng vẫn còn nhiều bất ổn

Theo KTNN, thu NSNN năm 2016 mặc dù vượt dự toán 92.881 tỷ đồng nhưng tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất 49.619 tỷ đồng và lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp 19.346 tỷ đồng. Như vậy vượt thu 23.916 tỷ đồng. Cũng theo KTNN, một số bộ, ngành, địa phương lập, giao dự toán thu chưa đúng quy định; dự kiến chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn; chưa đảm bảo mức phấn đấu tăng thu bình quân tối thiểu 15% theo quy định...

Bên cạnh đó, dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) chưa sát với số thuế phải hoàn trong năm, dẫn đến phải động viên một số doanh nghiệp có số thuế GTGT được hoàn lớn đồng thuận tách quyết định hoàn thuế thành hai lệnh chi hoàn nhằm bảo đảm vừa chi trả cho người nộp thuế, vừa không vượt dự toán được giao (số thuế GTGT đã có quyết định hoàn năm 2016 phải chuyển sang năm 2017 để chi trả 1.077 tỷ đồng). Tình trạng người nộp thuế kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến.

Chẳng hạn, KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 19.109 tỷ đồng, trong đó: Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) 2.668 tỷ đồng; Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) 1.852 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam 1.753 tỷ đồng… Đặc biệt qua thực hiện phương pháp đối chiếu thuế các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, KTNN xác định nộp NSNN tăng thêm 1.351 tỷ đồng và kiến nghị cơ quan thuế kiểm tra, làm rõ để truy thu 446 tỷ đồng tại 2.344 doanh nghiệp được đối chiếu.

Cũng theo KTNN, nợ có khả năng thu do ngành thuế quản lý giảm 9,8%, song nợ thuế do ngành thuế và hải quan quản lý đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nợ thuế khó thu do ngành thuế quản lý tăng 34% (54/63 các địa phương có mức dư nợ thuế khó thu tăng), nợ thuế chờ xử lý tăng 60,7% - chủ yếu tăng do các khoản nợ liên quan đến đất còn vướng mắc về cơ chế, chính sách như giải phóng mặt bằng, thay đổi thiết kế dự án... chưa được các cơ quan liên quan giải quyết.

Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, tổng thu NSNN năm 2016 vượt dự toán nhưng chủ yếu là tăng thu từ đất, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của các DNNN; trong đó chủ yếu tăng thu của ngân sách địa phương, còn ngân sách trung ương thì hụt thu cân đối.

Nhiều khoản thu từ sản xuất kinh doanh giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện nên nhiều địa phương phải tăng khai thác nguồn thu từ đất, dẫn đến dư địa thu ngày càng hạn hẹp trong điều kiện chính sách thu chậm được sửa đổi, đặt ra nhiều thách thức cho cân đối ngân sách; khó đáp ứng được yêu cầu của Luật NSNN là ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo và sau mỗi thời kỳ ổn định các địa phương phải tăng điều tiết về ngân sách trung ương.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, việc xác định và hoàn thuế GTGT chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế và làm cho việc xử lý hụt thu ngân sách trung ương không phù hợp, tăng thêm bội chi NSNN. Năm 2016 vẫn phải chuyển số thuế GTGT phải hoàn 1.077 tỷ đồng sang thực hiện hoàn trong năm 2017.

Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm, được Quốc hội nhắc nhở nhiều lần và vẫn tái diễn làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế. Việc tính thiếu 1.077 tỷ đồng số phải hoàn thuế GTGT dẫn đến khi quyết toán năm 2016 số này không có nguồn để xử lý, phải tăng bội chi NSNN. Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc tiếp tục để xảy ra tình trạng này trong năm 2016. Đồng thời nghiêm túc chấn chỉnh không để tái diễn khi quyết toán năm 2017 và các năm tiếp theo.

Quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động vượt chỉ tiêu 859 tỷ đồng

Theo KTNN, các sai sót trong chấp hành trình tự đầu tư đã được KTNN phát hiện và kiến nghị trong những năm vừa qua vẫn xảy ra tại không ít các dự án được kiểm toán trong năm 2017, như: phê duyệt dự án đầu tư không đúng trình tự, không phù hợp với quy hoạch vùng; xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác; phê duyệt dự toán vượt tổng mức đầu tư; áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không đúng quy định; giám sát thi công tại một số dự án không chặt chẽ…

Qua kiểm toán 1.497 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 10.125 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số dự án của các tập đoàn, tổng công ty có hiệu quả đầu tư thấp do trữ lượng không đạt như khảo sát, giá sản phẩm tiêu thụ giảm mạnh hoặc đang thua lỗ lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn. Cá biệt, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã áp dụng lựa chọn nhà thầu không đúng quy định và ký hợp đồng vượt giá gói thầu, ký giá trị hợp đồng EPC vượt tổng mức đầu tư.

Ngoài ra, nợ xây dựng cơ bản (XDCB) của các địa phương chưa được tổng hợp báo cáo; một số bộ, ngành và địa phương còn để phát sinh nợ đọng XDCB 14.614 tỷ đồng; tỷ lệ nợ đọng XDCB đến hết 31-12-2016 so với tổng chi đầu tư phát triển năm 2016 của một số địa phương còn lớn như: Hà Nam 456,8%; Hà Giang 159,1%; Ninh Bình 132,6%...

Một điểm đáng chú ý được KTNN chỉ ra là một số bộ, ngành và địa phương giao biên chế công chức vượt Bộ Nội vụ giao 5.087 biên chế; sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người (vượt được giao 44.667 người, vượt định mức 18.612 người). Tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao làm tăng chi NSNN 859 tỷ đồng. Bên cạnh đó, qua kiểm toán 40 dự án đầu tư theo hình thức BOT, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.467 tỷ đồng…

Còn theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, dự toán một số khoản mục chi chưa sát thực tế, dẫn đến số quyết toán chi vượt dự toán; còn tình trạng phân bổ vốn chậm, dồn vào các tháng cuối năm, nhiều khoản bổ sung có mục tiêu của trung ương trong năm mới giao dự toán…

Kết quả kiểm toán cho thấy, còn tình trạng Bộ Tài chính thống nhất với một số bộ, ngành phân bổ dự toán sau ngày 31-3-2016 với số tiền 5.354 tỷ đồng; bổ sung có mục tiêu 6.909,9 tỷ đồng cho các địa phương để hỗ trợ thực hiện một số chế độ, chính sách và nhiệm vụ chi ổn định từ dự toán năm 2015 nhưng không xác định cụ thể căn cứ và nội dung hỗ trợ… Ngoài ra, kết quả kiểm toán cho thấy, Bộ Tài chính đề nghị và Chính phủ cho phép một số địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi đầu tư 1.484 tỷ đồng trong khi ngân sách trung ương vẫn cấp bổ sung kinh phí cải cách tiền lương cho các địa phương này là chưa phù hợp…

Theo Báo cáo của Chính phủ, bội chi NSNN năm 2016 là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP thực hiện (Quốc hội quyết định mức bội chi NSNN là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP). Số liệu cho thấy, năm 2016, số bội chi đã thấp hơn nhưng tỷ lệ bội chi vẫn vượt mức Quốc hội cho phép. Thẩm tra về nội dụng này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng, Chính phủ cần quan tâm và quyết liệt hơn trong điều hành ngân sách để kiểm soát bội chi năm 2017 và các năm sau nhằm bảo đảm thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội là tỷ lệ bội chi NSNN cả giai đoạn 2016 - 2020 không quá 3,9% GDP.

Tin cùng chuyên mục