Thông điệp từ STA1

Theo giới quan sát, với Mỹ, Ấn Độ là một đối tác chủ chốt trong những nỗ lực nhằm đảm bảo toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khu vực của hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Việc chính quyền Mỹ quyết định nâng cấp vị thế của Ấn Độ trong danh sách các nước được cấp quy chế quyền thương mại chiến lược (STA1), ngay trước thời điểm Mỹ công bố những sáng kiến về phát triển và hỗ trợ kinh tế ở toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã cho thấy một bước đi hợp lý, có tính toán  sau khi Washington coi New Delhi là đối tác quốc phòng lớn hồi năm 2016. 

Như vậy, Ấn Độ trở thành quốc gia duy nhất ở Nam Á có tên trong danh sách được Washington nới lỏng kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang New Delhi. Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, từ nay quốc gia Nam Á này sẽ tiếp cận sản phẩm của Mỹ như các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo CNBC, nói một cách đơn giản, STA1 sẽ cho phép Ấn Độ nhận các công nghệ nhạy cảm và các mặt hàng quân sự mà không cần nhà xuất khẩu Mỹ phải đi qua phòng thương mại để xin giấy phép. Sự ưu tiên này chứng tỏ vị thế ngày càng lớn của Ấn Độ với tư cách một đối tác quốc phòng của Mỹ. Thậm chí, một số nguồn tin ngoại giao cho CNBC-TV18 biết, bước tiếp theo mà Ấn Độ đang làm là hoàn thành một Phụ lục an ninh công nghiệp với Mỹ, theo đó cho phép các công ty Mỹ chia sẻ thông tin công nghệ nhạy cảm với các công ty Ấn Độ và đảm bảo rằng thông tin này không bị rò rỉ. 

Theo giới quan sát, với Mỹ, Ấn Độ là một đối tác chủ chốt trong những nỗ lực nhằm đảm bảo toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khu vực của hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Trước đó, tờ Kommersant (Nga) cũng cho rằng Ấn Độ sẽ thay thế Pakistan, trở thành “đồng minh then chốt” của Washington. Điều này rõ ràng làm Pakistan “khó chịu”. Phản ứng với quyết định trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan tuyên bố: “Động thái này có những tác động nghiêm trọng. Pakistan kêu gọi tất cả các bên xem xét cẩn thận các chính sách kiểm soát xuất khẩu chiến lược trực tiếp có tác động đến an ninh quốc gia của Pakistan với mục tiêu duy trì ổn định chiến lược trong khu vực ”.

Tuy nhiên, điều này cũng hợp lý khi Ấn Độ được coi là đối tác quốc phòng chính của Mỹ vì đã tái khẳng định hồ sơ hoàn hảo của mình với tư cách là một thành viên có trách nhiệm trong các cơ chế kiểm soát xuất khẩu đa phương liên quan. Trong 10 năm qua, Ấn Độ đã mua tổng cộng 15 tỷ USD trang bị quân sự của Mỹ. Hai bên hiện có triển vọng ký kết hợp đồng lớn mới về máy bay chiến đấu. Trong năm qua, hợp tác quốc phòng Mỹ - Ấn cũng đã được tăng cường rõ rệt. Mỹ cam kết cung cấp công nghệ quân sự tốt nhất để Ấn Độ đóng vai trò quan trọng tại khu vực, ngoài thu lợi nhuận, Mỹ còn cân nhắc kỹ đến yếu tố địa - chính trị của Ấn Độ để ứng phó với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Ngày 6-9 tới sẽ diễn ra các cuộc thảo luận cấp cao giữa Mỹ và Ấn Độ với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Dự kiến, tại cuộc đối thoại 2+2 tới đây, 2 nước sẽ tập trung vào việc tăng cường quan hệ quốc phòng và các mối quan hệ chiến lược. Ngoài ra, theo nhiều nguồn tin, hai nước cũng đang thảo luận về việc tổ chức các cuộc tập trận chung.

Tin cùng chuyên mục