Thời tiết vẫn cực đoan, mưa lũ còn tái diễn

Đảo Phú Quốc (Kiên Giang) cũng như hàng loạt tỉnh ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ vừa trải qua đợt mưa lũ kinh hoàng, được coi là kỷ lục trong vòng 41 năm qua, gây thiệt hại nặng nề. 
Nhà dân tại đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) bị ngập sâu vào ngày 8-8
Nhà dân tại đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) bị ngập sâu vào ngày 8-8

Theo quan trắc tại huyện đảo Phú Quốc, tổng lượng mưa chỉ trong 10 ngày đầu tháng 8 đã lên tới 1.167mm (trong khi cùng thời kỳ trung bình nhiều năm chỉ là 163mm). Đây là số liệu mưa đo được tại Phú Quốc cao nhất trong lịch sử quan trắc từ năm 1978 đến nay.

Về nguyên nhân của đợt mưa lũ lịch sử này, theo TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, những ngày vừa qua, gió mùa Tây Nam tại vùng biển Nam bộ và vịnh Thái Lan hoạt động với cường độ mạnh, trong khi trên biển Đông vào cùng thời điểm lại xuất hiện một dải hội tụ nhiệt đới, tương tác mạnh với gió Tây Nam, làm cho mưa ở Tây Nguyên và Nam bộ có lượng lớn và kéo dài.

Nhận định về thời tiết Nam bộ và Tây Nguyên trong thời gian tới, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, năm nay mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam bộ sẽ còn duy trì liên tục từ nay đến tháng 10. Điều đó có nghĩa, trong thời gian tới, ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ tiếp tục chịu tác động của gió mùa Tây Nam. Ngoài gió mùa Tây Nam thì còn có thể có tác động của các xoáy thuận nhiệt đới, cụ thể là áp thấp nhiệt đới hoặc bão xuất hiện vào giai đoạn cuối năm. Các hình thế gió mùa Tây Nam, áp thấp nhiệt đới hoặc bão cuối năm đều là những hình thái nguy hiểm, có khả năng gây mưa lớn diện rộng ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, nên người dân cần hết sức lưu ý.

Về tình hình thời tiết trong những tuần còn lại của tháng 8 và đầu tháng 9, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay thời tiết ở khu vực Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam) đang chịu tác động của dao động Madden - Julian là một dao động nội mùa trong khu vực nhiệt đới, được viết tắt là MJO. Trong 10 ngày đầu của thời kỳ dự báo, MJO hoạt động ở pha 4-5 ở khu vực nhiệt đới Đông Nam Á, sau đó di chuyển dần về phía Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây mưa cho các tỉnh phía Nam của Việt Nam trong thời gian tới là gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động trung bình đến yếu nên lượng mưa tại khu vực này thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Theo dự báo trong 1 tháng tới, trên khu vực biển Đông có thể xuất hiện từ 1-2 xoáy thuận nhiệt đới, xuất hiện vào giai đoạn cuối của thời kỳ dự báo. Trong cả tháng, tổng lượng mưa của khu vực Đông Bắc bộ, đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; tại khu vực Tây Bắc, Việt Bắc sẽ thấp hơn từ 10% - 30%, khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung bộ sẽ thấp hơn từ 20% - 40%. Tổng lượng mưa tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ sẽ thấp hơn từ 10% - 30%, riêng tại Tây Nam bộ xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Theo nhận định, tại Bắc bộ sẽ có khoảng 3-4 đợt mưa diện rộng; tại Bắc Trung bộ có khoảng 2-3 đợt mưa diện rộng. Nhiệt độ trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Thời tiết tại Tây Nguyên và Nam bộ chủ yếu chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình. Trên toàn quốc tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm xảy ra trên phạm vi hẹp như tố, lốc và gió giật mạnh.

Cập nhật từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia ngày 12-8 cho biết, Bắc bộ và Trung bộ, nắng nóng lại đang lan rộng. Đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài từ 2-3 ngày ở các tỉnh Bắc bộ; còn ở Trung bộ nắng nóng có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.

Tin cùng chuyên mục