Thời kỳ “hậu Merkel”

Sự khởi đầu hỗn loạn trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 của bà Angela Merkel khiến người ta nghĩ nhiệm vụ này đã bắt đầu quá sức với bà.

Tuy nhiên, bà Merkel được đánh giá là đã làm tốt trách nhiệm đứng đầu Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), đảng mà bà lãnh đạo từ tháng 4-2000 đến ngày 7-12-2018, trước khi bà Annegret Kramp-Karrenbauer lên thay thế.

Theo Le Monde, chắc chắn đây không phải là kịch bản mà bà Merkel đã hình dung lúc đầu bởi các nhiệm vụ của thủ tướng và lãnh đạo đảng không nên tách rời. Nhưng sự sụt giảm tỷ lệ ủng hộ CDU trong cuộc bầu cử khu vực ở Hessen hôm 28-10 đã thúc đẩy bà Merkel xem xét lại các kế hoạch và rời khỏi vị trí chủ tịch đảng sớm hơn dự kiến. Đó có lẽ là quyết định khôn ngoan nhất. 

Tuy nhiên, chiến thắng qua 2 vòng bầu cử với tỷ lệ phiếu không quá chênh lệch so với ông Merz, cựu Chủ tịch nhóm nghị sĩ CDU tại Quốc hội liên bang, bà Kramp-Karrenbauer đang đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ. Đầu tiên là một CDU đầy chia rẽ, vốn xuất hiện từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng người di cư vào năm 2015 và bùng nổ sau thất bại ở cuộc tổng tuyển cử năm 2017. Những mâu thuẫn, hay thậm chí những thành  phần “nổi loạn” trong nội bộ CDU đã được bà Merkel mạnh tay dẹp yên nhiều năm qua. Nhưng điều đó sẽ không dễ dàng với bà Kramp-Karrenbauer, nhất là trước những nhân vật như ông Wolfgang Schäuble, Chủ tịch Quốc hội liên bang, hay chính ông Merz mà bà vừa thắng ở vòng bỏ phiếu thứ 2. Bà Kramp-Karrenbau cũng có nhiệm vụ phải hiện đại hóa đảng, trẻ hóa đội ngũ và thậm chí cả tăng cường tỷ lệ thành viên nữ trong đảng. Việc một người phụ nữ chuyển giao quyền lực cho một người phụ nữ khác cũng không khiến người ta quên rằng trong số thành viên bảo thủ, chỉ có 20% là nữ. Với các đảng phái chính trị khác, CDU cũng cần sự hàn gắn, đặc biệt với đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), và đối tác đã trở thành truyền thống là đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Một điều không kém phần quan trọng là ngăn chặn sự gia tăng của phe cực hữu, nhất là ở Đông Đức cũ, nơi mà trong những năm gần đây, CDU đã mất nhiều thành trì cho đảng cực hữu AfD do xử lý vụng về hậu quả của cuộc khủng hoảng di cư. 

Từ Thủ hiến bang Saarland đến vị trí Tổng Thư ký rồi Chủ tịch CDU, bà Kramp-Karrenbauer đã tiến những bước rất dài trên con đường chính trị chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm qua, với sự hỗ trợ rất đắc lực của bà Merkel. 3 năm tới sẽ giúp bà Kramp-Karrenbauer định hình các chính sách và tạo dựng vị thế, chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội liên bang vào cuối năm 2021 - thời điểm rất có thể sẽ đưa bà lên đỉnh cao quyền lực trên chính trường nước Đức, khi người tiền nhiệm Merkel chính thức rút lui. Việc CDU có chủ tịch mới có thể không ảnh hưởng nhiều đến chính sách của Chính phủ Đức hiện nay, một mặt vì bà Merkel vẫn tiếp tục là Thủ tướng, mặt khác bà Kramp-Karrenbauer sẽ chưa có nhiều đột phá trong việc điều hành CDU. Đức vẫn sẽ tiếp tục vai trò dẫn dắt và đoàn kết châu Âu như hiện nay, đồng thời tập trung giải quyết nhiều vấn đề nội bộ xuất hiện thời gian qua. Do đó, trách nhiệm của bà Kramp-Karrenbau rất lớn. Bởi, với vai trò đầu tàu ở châu Âu và ảnh hưởng trong giải quyết cuộc khủng hoảng dân chủ mà nhiều nước láng giềng đang phải trải qua, sự ổn định chính trị của nước Đức là một điều bắt buộc tuyệt đối.

Tin cùng chuyên mục