Thời khủng hoảng phim truyện truyền hình phía Nam

Hai năm trở lại đây, khi phim truyền hình phía Bắc của VTV luôn “làm mưa làm gió” trên cả phương tiện truyền thông, mạng xã hội, thì trái lại phim truyền hình phía Nam đìu hiu, èo uột và hầu như không mấy ai quan tâm. 
Nhìn vào mặt bằng sản xuất phim và “không khí” khi phim phát sóng sẽ thấy rằng, phim phía Nam - cụ thể là trên HTV đang ngày càng đuối cả về số lượng và chất lượng. 
Thời khủng hoảng phim truyện truyền hình phía Nam ảnh 1 Các diễn viên trong phim Người phán xử
Thu hẹp thị phần
Thời vàng son hơn 15 năm trước, HTV là đơn vị đầu tiên mở màn trào lưu “Giờ vàng phim Việt” và phim Việt mới luôn chiếm thời lượng, số lượng áp đảo, mang về nguồn lợi nhuận chính cho HTV. Thời điểm đó, các công ty, nhà sản xuất (NSX) phim chen chân, đấu thầu để giành quyền làm phim cho HTV.
HTV đã phải khó khăn tìm ra trong số gần 60 đối tác, chừng 10 đối tác tiềm năng, chịu trách nhiệm sản xuất phim phát sóng. Vì không dễ dàng được HTV chọn, nên NSX nào cũng phải hết sức cố gắng trong việc chọn lựa kịch bản, ê kíp làm phim để cho ra phim chất lượng nhất có thể. Nếu không, năm sau chắc chắn sẽ … “rớt đài”, bị thay thế. 
Vài năm gần đây, HTV cố gắng giữ 4 khung giờ chiếu phim Việt mới trên cả hai kênh HTV7 và HTV9; nhưng thời điểm hiện nay, HTV chỉ còn đúng 1 khung giờ (22 giờ trên HTV9). 3 khung giờ còn lại (12 giờ 30, 20 giờ, 22 giờ 30 trên HTV7) phát phim Sitcom (một loại phim ngắn, ít kinh phí).
“Phim truyện truyền hình truyền thống (dài 45 phút) hiện nay chất lượng không tốt, đa phần đều không thu được lợi nhuận, nói thẳng ra là lỗ vốn, nên các NSX không còn mặn mòi mà chuyển sang làm phim sitcom cho nhanh và ít tốn kém”, bà Trường Sơn, Trưởng phòng Khai thác phim truyện HTV, cho biết.
Bà Trường Sơn cũng không giấu sự thất vọng: “Lẽ ra đây là thời điểm không còn cạnh tranh gay gắt về giờ chiếu giữa các NSX thì phim phải hay hơn, đằng này phim càng ngày càng dở đi. Đó chính là lý do khiến khán giả quay lưng. Tôi tin, nếu phim tốt, phim hay vẫn có người xem, dù có thể người xem không đông đảo như trước đây!”.
Đáng tiếc hơn nữa chính là dòng phim truyện của TFS (Hãng phim Truyền hình TPHCM), vốn được cả khán giả lẫn người làm nghề đánh giá cao, nay hoàn toàn biến mất, chưa biết đến bao giờ mới có thể tái xuất.
Thách thức chính mình
“Nhà đài trả 180 - 200 triệu đồng/tập phim. Trong thời buổi vật giá leo thang, với số tiền này, khó mong NSX làm phim tốt được”, một NSX phim ca thán. Cũng chính vì khó, thậm chí là không thể thu hồi vốn, hàng loạt “đại gia” sản xuất phim, người thì rút lui khỏi lĩnh vực sản xuất, chuyển sang làm chương trình, gameshow truyền hình, người thì xin trả lại khung giờ phát sóng (vốn trước kia phải tranh giành mới có được). 
Nếu các đoàn phim phía Nam gói gọn việc quay trong vòng 1-1,5 ngày/tập phim, thì hầu hết các đoàn phim phía Bắc lại mất 4-5 ngày/tập phim.
Theo đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải, giám đốc VFC: “Phim của VFC thường quay 4-5 ngày, thậm chí có khi lên tới 7 ngày/tập phim. Các diễn viên khi đã đồng ý tham gia phim VFC đều được cho biết và yêu cầu sẽ phải mất thời gian bao lâu cho việc quay phim”.
Trong khi đó, Bà Trường Sơn cũng nhấn mạnh: “Chỉ mất từ 1 ngày đến hơn 1 ngày cho việc quay 1 tập phim thì làm sao diễn viên tập trung, toàn tâm cho vai diễn được, điều đó dẫn đến cả 1 bộ phim không hay là điều tất nhiên. Nhà đài và các NSX phải cùng thống nhất trong kinh phí làm phim. Đài thỏa mãn yêu cầu kinh phí, nhưng cũng đòi hỏi chất lượng phim tương đương. Hiện nay, HTV chỉ duyệt phim thành phẩm chứ không duyệt kịch bản, nên phim chỉ cần đừng quá tệ là sẽ được phát sóng”.
“Bài toán chi phí thật sự chính là ý thức làm nghề. Người làm nghề có tâm huyết, tự trọng với nghề chắc chắn sẽ giải quyết được. Còn làm theo kiểu cho xong hoặc thấy khó quá quay ra làm việc khác, thì khó mong thay đổi”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Phó Trưởng ban Thư ký biên tập, Phó Chủ tịch Hội đồng duyệt phim VTV, cho biết: “Quan điểm của VTV là phim phát sóng phải đảm bảo chất lượng nội dung và phong phú về hình thức thể hiện. VTV luôn duyệt kịch bản, ê kíp làm phim và thường xuyên ra hiện trường kiểm tra quá trình sản xuất phim. VTV cũng chủ trương đa dạng hóa thể loại và phong cách, nên đã đặt hàng sản xuất phim cả trong Nam lẫn ngoài Bắc”.
Theo nguồn VTV cho biết: Các bộ phim truyện truyền hình đã và đang phát sóng trên VTV như: Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Chiều ngang qua phố cũ đều đạt mức rating từ 9.0 đến 17.0 (thường ở mức 4.0 trở lên đã là phim tốt). Trong khi đó, một cán bộ của HTV cho biết, 2 bộ phim đang phát trên HTV: Lao công bí ẩn và Lẩn khuất một tên người chỉ đạt rating ở mức trung bình.

Tin cùng chuyên mục