Thời điểm của kết nối và chia sẻ

Kết quả khảo sát 275 cơ quan đơn vị tham dự Vietnam ICT Summit 2017 của VINASA cho thấy: 35,2% tổ chức đã chuẩn bị và sẵn sàng cho CMCN 4.0; 58,7% đã tìm hiểu nhưng chưa biết phải chuẩn bị gì...
Tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2017) với chủ đề “Việt Nam - Chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4” khai mạc ngày 6-9 tại Hà Nội, vấn đề nhận thức cũng như ứng xử với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra đã trở thành tâm điểm.
Tác động ngày càng lớn
PGS-TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), khẳng định CMCN 4.0 đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, mức độ lan tỏa cũng như tác động ngày càng lớn trên phạm vi toàn cầu. 
Các sản phẩm về công nghệ mới được giới thiệu tại triển lãm đã cho thấy CMCN 4.0 đang hiện hữu ngày càng rõ nét. Tiêu biểu như Công ty VNG với những ứng dụng phục vụ dự án phát triển thành phố thông minh (như hệ thống chiếu sáng, cửa từ thông minh…); thiết bị bán nước uống tự động tích hợp ứng dụng thanh toán đã quen thuộc với người dùng, đó là Zalo Pay (mua nước uống qua thanh toán bằng QR Code).
Thời điểm của kết nối và chia sẻ ảnh 1 Công ty VNG tham gia Vietnam ICT Summit 2017 với việc trình diễn những công nghệ mới,
thu hút sự quan tâm của giới truyền thông
VNG kỳ vọng sẽ mang đến cho khách tham quan trải nghiệm tương tác sinh động và chân thực về những công nghệ mới do chính người Việt phát triển, có thể được áp dụng thực tiễn trong tương lai gần, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân và góp phần ứng dụng CNTT vào việc kết nối, sản xuất, quản lý, kinh doanh trong mọi lĩnh vực.   
Tuy nhiên, theo các chuyên gia vẫn có rất nhiều câu hỏi lớn đang đặt ra cần được giải đáp, như: Việt Nam cần ứng xử và hành động như thế nào trước những thay đổi có tính căn bản và sự xuất hiện của những mô thức mới chưa thể lường trước được trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, an ninh quốc phòng mà CMCN 4.0 đang và sẽ tạo ra
Chúng ta có dám chấp nhận thử thách để trở thành người đi tiên phong? Tầm nhìn và những mục tiêu phát triển nào là phù hợp, khả thi đối với Việt Nam trong CMCN 4.0? Lực lượng xã hội nào sẽ đóng vai trò là động lực chính trong việc thực hiện tầm nhìn và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội số đó?...
Kết quả khảo sát 275 cơ quan đơn vị tham dự Vietnam ICT Summit 2017 của VINASA cho thấy: 35,2% tổ chức đã chuẩn bị và sẵn sàng cho CMCN 4.0; 58,7% đã tìm hiểu nhưng chưa biết phải chuẩn bị gì; 6,1% chưa tìm hiểu gì và đương nhiên là không biết chuẩn bị như thế nào cho những cơ hội và tác động của CMCN 4.0. 
Đã đến lúc phải hành động
Tại diễn đàn, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng mặc dù có khá nhiều vấn đề bất cập, hạn chế, nhưng nếu Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhận thức đúng đắn, có cách tiếp cận phù hợp và quyết tâm thì Việt Nam hoàn toàn có thể đuổi kịp và tiến nhanh, phát triển mạnh mẽ trong CMCN 4.0.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, CMCN 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực, phát huy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, đào tạo nhân lực CNTT, làm thế nào để mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong quản trị, điều hành và phát triển…
“CMCN 4.0 chúng ta đã đề cập nhiều, giờ là lúc phải hành động. Chắc chắn trong cuộc cách mạng này, chúng ta phải kết nối chặt chẽ hơn giữa Nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng, trong CMCN 4.0, Việt Nam phải xây dựng được hạ tầng CNTT mạnh, giữa Nhà nước, bộ ngành và doanh nghiệp phải có sự chia sẻ, kết nối dữ liệu chặt chẽ để mọi ứng dụng hoạt động được thuận lợi, tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp. Cần đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT và thuê dịch vụ CNTT.
“Dịch vụ công mức 3, mức 4 phải được đặt ra để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ ngành. Không cần những bài toán to lớn, mà chỉ cần đặt ra số lượng các dịch vụ phải làm ở mức độ 4. Khi đó sẽ có nhiều hệ quả tốt đẹp về cải cách hành chính, phòng chống tiêu cực, năng lực điều hành quản lý được nâng cao…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu. 
Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cũng khẳng định, Bộ TT-TT sẽ xây dựng và đề xuất các chính sách để đảm bảo phát triển hạ tầng số; đảo bảo an toàn hệ thống thông tin quốc gia; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực CNTT; cơ chế ưu đãi, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đề xuất việc thông báo công khai các dự án, kế hoạch và nhu cầu ứng dụng CNTT khu vực công, nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại khu vực này. Đặc biệt, Bộ TT-TT kiến nghị Chính phủ và Bộ GD-ĐT đẩy mạnh đổi mới giáo dục, nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tận dụng được lợi thế và cơ hội phát triển của CMCN 4.0.
Khảo sát của VINASA cũng chỉ ra những lợi thế, những giải pháp, những ngành mà Việt Nam có thể tiếp cận hiệu quả và thành công CMCN 4.0. Cụ thể, các doanh nghiệp, tổ chức cho rằng những lợi thế lớn của Việt Nam trong cuộc cách mạng này là: Nguồn nhân lực (77,7%); Nhận thức và quyết tâm hành động của Chính phủ (70,4%); Hạ tầng CNTT và viễn thông (59,1%)... 
Để hiện cụ thể hóa những lợi thế này, Việt Nam cần triển khai 3 giải pháp quan trọng: Đào tạo nguồn nhân lực (81,8%); Thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế (70%); Thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo (53%). Đồng thời tập trung vào một số ngành: CNTT (89.9%); Du lịch (45.7%); Nông nghiệp  (44.9%); Tài chính, Ngân hàng (47%) và Logistics (28.3%).

Tin cùng chuyên mục