Thời điểm chuyển giao thế hệ

 Tiềm năng về truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của các thế hệ cựu chiến binh là rất lớn. Nếu chúng ta không biết khai thác, phát huy giá trị đó lên, sẽ là một mất mát to lớn cho thế hệ mai sau - những người dẫn dắt chế độ ở thành phố này, đất nước này.

“Từ nhiệm kỳ lần thứ XI - vào năm 2020 trở đi của Đảng bộ TPHCM sẽ không còn lớp cán bộ đã từng tham gia 2 cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc tham gia vào bộ máy lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền của TPHCM. Các đồng chí ấy là lớp người đi trước, tuổi đã cao và phải lùi lại phía sau, chuyển giao lại cho lớp cán bộ thế hệ kế cận. Đây sẽ thời điểm chuyển giao thế hệ giữa những người đã bỏ xương máu chiến đấu trong 2 cuộc kháng chiến với thế hệ những người dẫn dắt chế độ ở thành phố này, đất nước này nhưng chưa qua kháng chiến. Chúng tôi tin họ sẽ tiếp tục khẳng định, kế tục xứng đáng sự nghiệp của các thế hệ đi trước…”. Đó là phát biểu của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, trong cuộc làm việc với Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh TPHCM mới đây. 

Phát biểu trên của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đặt ra trong thời điểm 2 năm 2019, 2020 cũng được thành phố chọn là năm truyền thống, hướng đến các hoạt động giáo dục truyền thống, lịch sử dân tộc cho thế hệ hôm nay.

Năm 2019, cả nước kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ; năm 2020 kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và tiến tới Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Năm truyền thống, chuyển giao thế hệ đặt ra cho công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng của các thế hệ đi trước bằng nhiều nội dung, phương thức tác động sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm với thành phố và đất nước trước yêu cầu phát triển của những năm tiếp theo.

Trước tiên, đó là vai trò của Hội Cựu chiến binh TPHCM - nơi có hơn 70.000 hội viên là những sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đã từng tham gia quân đội trong các thời kỳ. Đặc biệt, còn khá nhiều hội viên tham gia trong 2 cuộc kháng chiến, dù tuổi đã cao nhưng vẫn còn tràn đầy nhiệt huyết cách mạng và đang lưu giữ nhiều kỷ niệm, hiện vật quý của một thời xông pha trên khắp các chiến trường. Đây chính là tiềm năng, vốn quý cần được khai thác, giữ gìn và phát huy qua các chương trình, nội dung hoạt động để góp phần truyền lửa truyền thống, lịch sử dân tộc và tri thức cách mạng cho thế hệ kế tiếp. Qua đó, tiếp sức cho thế hệ hôm nay tiếp nối truyền thống bảo vệ, giữ vững sự bình yên của đất nước và phát triển kinh tế - xã hội theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. 

Với ý nghĩa đó, theo gợi ý của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Hội Cựu chiến binh TPHCM nên tổ chức các giải thưởng văn học, báo chí, hoặc thi viết kể lại những câu chuyện về truyền thống đấu tranh cách mạng của chính những người đã từng trải qua chiến đấu trên các chiến trường ác liệt; hoặc cựu chiến binh viết về cựu chiến binh, con em các cựu chiến binh kể lại câu chuyện chiến đấu, hy sinh của cha anh mình đã trực tiếp tham gia vào 2 cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc. Tiềm năng về truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của các thế hệ cựu chiến binh là rất lớn. Nếu chúng ta không biết khai thác, phát huy giá trị đó lên, sẽ là một mất mát to lớn cho thế hệ mai sau - những người dẫn dắt chế độ ở thành phố này, đất nước này.

Tin cùng chuyên mục