Thoái vốn - Lực hút đầu tư, quản trị doanh nghiệp

Chiều 18-12, việc thoái 343.662.587 cổ phần Nhà nước tại Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã được công bố. 
Theo đó, một nhà đầu tư tổ chức và một nhà đầu tư cá nhân đã trúng giá mua toàn bộ số cổ phần nêu trên với mức giá thành công bình quân là 320.000 đồng/cổ phần (bằng mức giá khởi điểm). Trước đó, theo thông tin kết quả mở phiếu tham dự chào bán cạnh tranh thì nhà đầu tư cá nhân là Ngô Vinh Hiển đăng ký mua 20.000 cổ phần và 1 tổ chức là Công ty TNHH Vietnam Beverage mua 343.662.587 cổ phần (tương đương toàn bộ 53,59% vốn Sabeco chào bán). Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá là gần 110.000 tỷ đồng.

Trước đó, 3,33% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đưa ra đấu giá cũng đã được đấu giá thành công khi có một tập đoàn của Singapore mua trọn. Giá trúng bình quân là 186.000 đồng/cổ phần, cao hơn giá khởi điểm 24%. Như vậy nhà đầu tư này sẽ chi 8.990 tỷ đồng để sở hữu 3,33% cổ phần của Vinamilk. Đây là thành công lớn của SCIC khi giá khởi điểm cổ phần của Vinamilk đưa ra trước đợt đấu giá này 150.000 đồng và giá khởi điểm đấu giá lần thứ nhất cuối năm 2016 là 144.000 đồng/cổ phần.
Hai phiên đấu giá thành công nêu trên đã chuyển đi một thông điệp rõ ràng là nhà đầu tư nước ngoài đang rất mong chờ những phiên thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định, sắp tới, khi một loạt các doanh nghiệp như MobiFone, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam… sẽ cổ phần hóa, thoái vốn hứa hẹn tiếp tục mang đến sự chú ý cho nhà đầu tư. Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 11 tháng năm 2017 đã có 4.535 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,29 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm 2016. 

Thực tế trên cho thấy, kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều doanh nghiệp lớn được đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đang thực sự hấp dẫn dòng vốn nước ngoài, tạo cơ hội cho khối ngoại. Theo TS Chua Hak Bin, Kinh tế gia khu vực Tập đoàn Maybank Kim Eng, dù tiến trình thoái vốn đang chuyển động khá chậm, nhưng việc này sẽ được đẩy mạnh xuất phát từ lý do doanh nghiệp Việt Nam cần cải tổ về hiện trạng sở hữu để thay đổi chất lượng quản trị. Đồng thời, Việt Nam cũng đang cần những nguồn lực tài chính để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển nền kinh tế. Tại một số cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài vừa qua, nhiều nhà đầu tư đã chia sẻ góc nhìn tích cực khi Chính phủ Việt Nam dần cởi mở trong thu hút vốn ngoại. Điều đó thể hiện khi thị trường mở cửa, vốn ngoại có mức đầu tư tối đa 20% vào doanh nghiệp niêm yết, sau đó nâng lên 30%, rồi đến 49% và nay là 100% ở những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh không hạn chế đầu tư nước ngoài. 

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp lớn được thị trường quan tâm thì cũng còn không ít doanh nghiệp quy mô nhỏ, việc thoái vốn không hề dễ dàng. Trong danh sách hơn 400 doanh nghiệp mà SCIC sẽ thực hiện thoái vốn từ nay đến năm 2020, có rất nhiều doanh nghiệp công ích và cả những doanh nghiệp nhỏ, ngành nghề kinh doanh không hấp dẫn, thậm chí có doanh nghiệp “mang đến chợ lại mang về” nhiều lần. Theo SCIC, trong số 27 doanh nghiệp mà SCIC đã thực hiện bán vốn từ 2 lần trở lên vẫn không thành công, có doanh nghiệp phải mang ra bán tới 4 lần, 6 lần và thậm chí 8 lần. Một số doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, không có báo cáo tài chính, không xác định được giá trị, đã ngưng hoạt động nhiều năm đang làm thủ tục phá sản nhưng chưa có cơ chế bán theo giá tượng trưng/cơ chế đặc thù; có doanh nghiệp chưa đủ hấp dẫn, mức giá giao dịch trên thị trường thấp, tính thanh khoản không có nên bán nhiều lần không thành công… Thậm chí có những doanh nghiệp tốt nhưng cố tình không hợp tác với đơn vị tư vấn để làm hồ sơ thoái vốn, giấu những thông tin được xem là lợi thế về đất, khiến cho hành trình thoái vốn mất nhiều thời gian và không hiệu quả. Với những doanh nghiệp như vậy, để có thể thay đổi quản trị doanh nghiệp thì cần thiết việc bán vốn Nhà nước nên linh hoạt để doanh nghiệp sau cơ cấu hoạt động hiệu quả hơn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trở lại đỉnh cao sau 10 năm, kết thúc quá trình phục hồi hậu khủng hoảng tài chính thế giới 2008; dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam lớn… đang tạo thuận lợi cho việc thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ. Điều nhà đầu tư mong chờ nhất là Việt Nam mở rộng không gian đầu tư cho khối ngoại bằng việc thực hiện nhanh hơn tiến trình thoái vốn Nhà nước, đưa lên niêm yết nhiều doanh nghiệp lớn, chất lượng. Thị trường đã tăng trưởng mạnh về lượng và bây giờ là lúc nhà đầu tư cần thị trường tăng trưởng về chất lượng và độ sâu thanh khoản. Do đó, thời điểm này đang là cơ hội tốt để Nhà nước tiến hành thoái vốn tại các doanh nghiệp mà tỷ lệ sở hữu giảm xuống hoặc không cần thiết nắm giữ, từ đó tiếp tục tạo ra lực lượng doanh nghiệp mới hoạt động hiệu quả hơn. 

Tin cùng chuyên mục