Thiếu tướng Phan Anh Minh: Nhiều vụ chết người cũng từ tín dụng đen

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của kỳ họp thứ 12 HĐND TPHCM khóa IX diễn ra sáng nay (5-12), Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra, khẳng định từ năm 2014, Công an TPHCM đã xác định một số đối tượng, chủ yếu từ miền Bắc vào TPHCM hoạt động tín dụng đen. Vi phạm liên quan tín dụng đen không lớn nhưng hậu quả phát sinh lại rất nặng nề, nhiều vụ án chết người cũng từ tín dụng đen.

 Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Loạn” tín dụng đen

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết từ năm 2014, Công an TP đã xác định có một số đối tượng, chủ yếu từ miền Bắc vào TPHCM hoạt động tín dụng đen. Vi phạm liên quan tín dụng đen không phải là lớn nhưng vấn đề là hậu quả phát sinh sau đó lại rất nặng nề. Năm 2014, bình quân mỗi tháng có 1 vụ phạm pháp hình sự từ hệ quả của việc cho vay trái pháp luật nhưng hiện nay có thể lên đến 4 vụ/tháng.

“Do các hoạt động cho vay ngoài điều chỉnh của pháp luật nên các hoạt động thu hồi nợ phát sinh tranh chấp, có hoạt động vi phạm pháp luật nghiêm trọng”, Thiếu tướng Phan Anh Minh thông tin và cho biết, nhẹ nhất là xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của con nợ và thân nhân con nợ. Đồng thời vi phạm an ninh trật tự, xâm phạm tài sản và nặng nhất là giết người. Năm 2018, có 3 vụ giết người mà nguyên nhân do mâu thuẫn khi cho vay trái pháp luật và đòi nợ không được.

Thiếu tướng Phan Anh Minh nhấn mạnh, qua theo dõi, Công an TP xác nhận 873 đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật và có vi phạm về lãi suất. Trong đó, hơn 2/3 là người không phải cư trú ở địa bàn thành phố, mà chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc vào TPHCM hoạt động. Trong số này có không ít đối tượng đang bị điều tra, đang bị truy nã. Ví dụ, Vũ Xuân Minh gây án giết người ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) mà Công an quận 3 phát hiện tháng 11-2018 là đối tượng đang bị Công an Hà Nội truy nã.

Tính chung trong năm 2018, Công an TP phát hiện, lập biên bản 60 nhóm với hơn 320 đối tượng vi phạm về hoạt động tín dụng không phép hoặc vi phạm về lãi suất. Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí xử phạt vi phạm không đáng kể là đăng ký tạm trú, gây mất trật tự; kể cả vi phạm được lập biên bản mà không thỏa đáng với hành vi là hoạt động kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện. Có một số vụ Công an TP có khởi tố về tội tàng trữ vũ khí quân dụng.

Trong năm 2018, Công an quận Tân Phú khởi tố 2 vụ cho vay lãi suất cao. Công an TP và Công an quận Bình Tân cũng đang củng cố hồ sơ để khởi tố 4 nhóm với tội danh cho vay lãi suất cao.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng nêu các vướng mắc trong xử lý. Theo đó, trước năm 2018, theo Bộ Luật Hình sự cũ thì gần như không có vụ cho vay lãi suất cao nào có thể xử lý được, vì luật có tình tiết định tội, phải có “tính chất bóc lột”. Đặc biệt, việc xác định “tính chất bóc lột” là rất khó. Từ năm 2018, quy định mới trong việc xử lý các đối tượng cho vay lãi suất cao vẫn còn nhiều sơ hở.

Mua rác của người dân sau khi phân loại?

Cũng tại phiên thảo luận sáng nay nhiều ĐB đề nghị thành phố tính đến việc mua rác của người dân sau khi phân loại rác tại nhà. Việc làm này nhằm giúp người dân thấy được lợi ích, khuyến khích người dân phân loại rác ngay từ hộ gia đình.

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm (quận Bình Tân) nhận xét, việc phân loại rác tại nguồn nhận được sự đồng thuận của người dân nhưng việc tuyên truyền chưa tốt, nơi biết nơi không.

“Chủ trương của thành phố là tốt, quy định đã có, nhưng vì sao việc thực hiện vẫn trầy trật?” ĐB Tố Trâm nêu vấn đề và nhận xét, nguyên nhân đã được Sở TN-MT nhận ra thì Sở TN-MT có sự điều chỉnh, kiến nghị gì nhằm đảm bảo chủ trương này phát huy hiệu quả.

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm (quận Bình Tân) phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
 Bày tỏ quan tâm vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Kim Dung (huyện Bình Chánh) đề nghị thành phố tính đến việc thu mua rác sau khi người dân phân loại. Một phương án khác có thể giảm trực tiếp vào tiền phí thu gom rác đối với các hộ gia đình đã phân loại rác. “Người dân trả 20.000 đồng/hộ/tháng tiền thu gom rác và khi họ phân loại rác thì có thể giảm xuống một nửa. Giảm luôn trực tiếp như vậy thì người dân thấy ngay được cái lợi”, ĐB Nguyễn Thị Kim Dung đề xuất.

Ngoài ra, ĐB Dung cũng đề nghị thành phố quan tâm hơn việc có các xe chuyên dùng vận chuyển rác sau khi phân loại; không để người thu gom rác trộn chung rác đã phân loại vào cùng một xe. Theo ĐB Dung, nếu không có sự đồng bộ thì người dân sẽ không an tâm phân loại rác.

Đề xuất thu mua rác sau phân loại được Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá là “lý thú”, giúp người dân thấy được lợi ích của việc phân loại rác, qua đó khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác. Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Sở TN-MT suy nghĩ về giải pháp này.

Tại buổi thảo luận, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng, ghi nhận đề xuất này và cho biết rác thải sau khi phân loại có thể tái chế, tái sử dụng, nên có thể mua, tạo sự động viên khích lệ. Đây là một giải pháp thiết thực, góp phần mang lại kết quả cho chủ trương kêu gọi người dân phân loại rác tại nguồn.

 Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng ghi nhận đề xuất, đóng góp của đại biểu tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tin cùng chuyên mục