Thi viết về những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu

Ngày 18-5, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức lễ tổng kết cuộc thi viết “ Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” năm 2018 và phát động cuộc thi năm 2019.
Bộ GD-ĐT trao giải cho các tác giả
Bộ GD-ĐT trao giải cho các tác giả

Theo ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, được phát động trong một thời gian ngắn (từ ngày 1-9 đến ngày 15-11), cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” đã có sức lan tỏa rộng lớn trong các cơ sở giáo dục.

Số lượng bài thi nhận được rất lớn với 60.000 bài dự thi (vượt mức so với dự kiến ban đầu của ban tổ chức và Ban giám khảo, gấp hơn chục lần so với cuộc thi tương tự tổ chức năm 2012). Đây là niềm vui những cũng là áp lực trong khâu tổ chức cuộc thi.

Thành phần tác giả tham gia dự thi khá phong phú: các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên đang công tác hoặc đã nghỉ hưu trong các cơ ở giáo dục mầm non, phổ thông, đại học; các trường trong và ngoài công lập; các cán bộ, công chức, viên chức các ngành nghề khác nhau.

Tác giả dự thi nhỏ tuổi nhất là học sinh lớp 2;  Người cao tuổi nhất gửi bài dự thi là một tác giả sinh năm 1946 (tại Hà Nội).

Qua cuộc thi, hình ảnh thầy cô giáo được nhìn từ góc nhìn đa chiều, đa diện, song dù ở góc độ nào thì các tác phẩm dự thi đều là những hình ảnh đẹp, độc đáo về thầy cô giáo. Nhiều người đã trở thành thầy/cô giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông là do chính ảnh hưởng từ thầy cô của mình. Có những người may mắn có được thầy cô chủ nhiệm qua hai thế hệ (cả tác giả và con của tác giả đều được học cùng một cô giáo).

Mỗi tác phẩm dự thi là một câu chuyện, một ký ức, một kỷ niệm, cảm xúc đẹp đẽ và đáng trân trọng về hình ảnh người thầy. Đối tượng tham gia dự thi đa phần là các tác giả không chuyên nên các tác phẩm dự thi phần nhiều viết bằng tình cảm, cảm xúc chân thành của các tác giả dành cho thầy cô giáo và ngôi trường của mình.

Ban tổ chức đã chọn và trao tổng cộng 27 giải thưởng cá nhân và tập thể, cụ thể: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải 3, 15 giải khuyến khích.
Theo đó, Giải nhất được trao cho cô giáo Trịnh Thị Vân, Trường THCS Yên Phú, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định với tác phẩm “Cô giáo – mẹ hiền”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, mỗi người đều gắn bó với quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường, đó là quãng thời gian đẹp nhất, đong đầy những kỷ niệm. Với mỗi người, ngôi trường là ngôi nhà thứ 2, với thầy cô giáo là những người mẹ, người anh, với bạn bè chính là anh, chị, em. Ở nơi đó, thầy cô là những người luôn nghiêm khắc và dịu hiền, dìu dắt chúng ta mỗi bước trưởng thành. Mỗi tác phẩm khắc họa về kỷ niệm đẹp về thầy cô giáo cũng là khắc họa bức chân dung đẹp về những thầy cô giáo, những người tài năng, tâm huyết, thầm lặng, tận tụy cống hiến cho đời.

Tin cùng chuyên mục