Thi tuyển khắc phục tình trạng khép kín trong công tác cán bộ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, đến nay, hầu hết các chức danh trúng tuyển trong các đợt thi tuyển lãnh đạo, quản lý đều được bổ nhiệm và đã phát huy được sở trường của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian qua. 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Thời gian qua việc triển khai thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước bước đầu đạt được kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều việc phải làm. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.


PHÓNG VIÊN: Thưa Bộ trưởng, ông có thể cho biết một số kết quả thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý tại một số bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua? 

Bộ trưởng LÊ VĨNH TÂN: Để thực hiện chủ trương về vấn đề thi tuyển các chức danh lãnh đạo, Bộ Nội vụ đã xây dựng đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và đã được Bộ Chính trị thông qua. Trong quá trình tổ chức thực hiện, đến nay có 9/14 bộ, ngành và 13/22 địa phương đã tổ chức thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý, với tổng số 109 vị trí. Đối với những địa phương, bộ, ngành khác không đăng ký thí điểm vẫn khuyến khích tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý trong phạm vi quản lý của mình. Mặt được của chủ trương là đã tạo được sự công bằng, công khai, minh bạch; những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì đều có thể dự thi; thi tuyển đã khắc phục tình trạng khép kín công tác cán bộ trong một cơ quan, đơn vị. Hơn nữa, tổ chức thi có thể chọn được người tài, có năng lực điều hành, quản lý tốt và tạo được sự công bằng đối với tất cả mọi người. Đến nay, hầu hết các chức danh trúng tuyển trong các đợt thi tuyển lãnh đạo, quản lý đều được bổ nhiệm và đã phát huy được sở trường của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian qua. 

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, số đơn vị thí điểm tổ chức thi còn chậm và thậm chí những đơn vị không nằm trong danh sách thí điểm, khuyến khích tổ chức thi cũng rất ít. Thêm nữa, một số ít các trường hợp thi có kết quả rất cao nhưng khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý và tiếp cận với công việc thực tế vẫn còn lúng túng. Bộ Nội vụ và các địa phương sẽ sơ kết 2 năm thực hiện để đổi mới, bổ sung phương pháp và sẽ nghiên cứu trong vấn đề bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý sau này.

Đã gần 5 năm thực hiện kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Tính đến nay, việc thực hiện tinh giản đã thu được kết quả và vướng mắc đặt ra trong quá trình thực hiện là gì, thưa Bộ trưởng?

Mục tiêu sắp xếp về tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ trong việc đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đây là mục tiêu rất lớn. Bên cạnh kết quả thu được thì phải thẳng thắn nhìn nhận, tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức cũng chưa phù hợp với vị trí việc làm hiện nay. Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị cũng như chủ trương của Chính phủ về tinh giản biên chế yêu cầu, từ nay đến năm 2021, phải thực hiện tinh giản tối thiểu 10% số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 ở các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Tính đến năm 2019, khối quản lý nhà nước đã thực hiện tinh giản biên chế được 6,75% so với biên chế năm 2015. Tuy nhiên, khối sự nghiệp mới giảm được khoảng 3,5%, nếu so với chỉ tiêu thì tỷ lệ này còn thấp. Do đó, tất cả các bộ, ngành, địa phương phải nhìn lại trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết và phải đẩy nhanh việc thực hiện hơn nữa. Trong quá trình thực hiện, điều khó khăn nhất đối với địa phương là việc chậm xây dựng thể chế. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đang trông chờ các quy định của Chính phủ trong việc sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện cũng như việc sắp xếp các đơn vị hành chính chưa đạt chuẩn theo quy định của Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án văn hóa công vụ, đây được xem là những quy chuẩn, thước đo đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, trong đó nhấn mạnh tới “kỷ luật, kỷ cương”. Xin Bộ trưởng cho biết việc triển khai đề án và giải pháp đẩy mạnh “kỷ luật, kỷ cương”?

Ngày 27-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg phê duyệt Đề án văn hóa công vụ, trong đó quy định rõ về mục tiêu, quan điểm, nội dung và các giải pháp để thực thi công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước. 

Để thực hiện quyết định này, Bộ Nội vụ đã tiến hành tổng kết các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến vấn đề quản lý cán bộ, công chức cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ công vụ ở các cơ quan hành chính nhà nước trong thời gian qua, để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tăng cường đẩy mạnh phân cấp, quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước chịu trách nhiệm trong việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức trong thẩm quyền quản lý của mình.

Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2019, tất cả thủ trưởng các bộ, ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiến hành thanh tra, kiểm tra công vụ đạt 100%, đặc biệt là trong công tác cán bộ. Những nội dung về văn hóa công sở cũng là những nội dung quan trọng, cần được đưa vào nội dung chính trong công tác thi đua, khen thưởng năm 2019 mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động.

Tin cùng chuyên mục