Thị trường mỹ thuật sôi động trở lại

Chỉ vài tháng gần đây, thị trường mỹ thuật trong nước và thế giới đã có nhiều chuyển biến khá sôi động. Trên sàn đấu giá nghệ thuật quốc tế, các tên tuổi lớn của mỹ thuật Việt Nam liên tục xuất hiện.
La Famille của Lê Phổ
La Famille của Lê Phổ

Ở thị trường trong nước, các sàn đấu giá cũng liên tục sáng đèn, mang hàng trăm tác phẩm đến với giới sưu tập và những người yêu nghệ thuật. Song song đó, còn có nhiều triển lãm quy mô lớn, giới thiệu đến công chúng không ít tác phẩm, từ các bậc họa sĩ lão làng đến những gương mặt trẻ đương đại.

Sôi động trên sàn quốc tế

Theo Nhà đấu giá Sotheby”s Hồng Công, tại phiên đấu giá nghệ thuật có tên “Modern art evening sale” sẽ diễn ra vào lúc 17 giờ ngày 30-9, tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam tiếp tục góp mặt và hứa hẹn nhiều đột phá.

Trong tốp 10 tiêu điểm của phiên đấu, có 2 tác phẩm của Việt Nam (Nguyễn Phan Chánh và Lê Phổ). Cùng có mặt là tranh của người “khổng lồ” phương Tây Pablo Picasso và một tên tuổi lớn của Trung Quốc Zao Wou-Ki. Tác phẩm La Famille (Gia đình), vẽ khoảng năm 1935-1940 của danh họa Lê Phổ có giá dự đoán từ 1,5 - 2,5 triệu HKD (khoảng 191.000 - 320.000USD). Nguyễn Phan Chánh tham gia 2 tác phẩm, đó là The linen maid (sáng tác năm 1931) và Game Players (sáng tác năm 1931), cả hai có giá ước đoán từ 1,5 - 1,8 triệu HKD (tương đương 191.000 - 230.000USD).

Ngoài ra, cùng tham gia phiên đấu này còn có 2 tác phẩm của Nguyễn Gia Trí và Vũ Cao Đàm. The Villagers (vẽ năm 1939) của danh họa Nguyễn Gia Trí, có giá dự đoán từ 1 đến 1,5 triệu HKD (khoảng 127.000 - 191.000USD) và Seated lady (sáng tác năm 1931, vẽ khoảng năm 1935 - 1940) của Vũ Cao Đàm, mức giá dự đoán từ 500.000 - 700.000HKD (từ 63.000 - 90.000USD).

Trước đó, giới mỹ thuật và những người yêu mỹ thuật nước nhà vẫn còn đầy cảm xúc khi trong phiên đấu hồi cuối tháng 5-2018 của Nhà đấu giá danh tiếng Christie tổ chức tại Hồng Công, tác phẩm của danh họa Việt Nam Nguyễn Phan Chánh đã xác lập kỷ lục mới về giá. Bức Em bé bên chú chim (Enfant à l’oiseau) của Nguyễn Phan Chánh đã được bán với giá 6,7 triệu HKD (khoảng 850.000USD), tương đương 20 tỷ đồng. Công bố chính thức từ nhà đấu giá Christie Hồng Công, đây là bức tranh của một họa sĩ Việt Nam được bán với giá cao nhất từ trước đến nay tại nhà đấu giá Christie cũng như trên các sàn đấu giá quốc tế.

Cũng tại phiên đấu giá này, một tác phẩm khác của danh họa Nguyễn Phan Chánh, bức Người bán ốc (La Marchande de Oc) được bán với giá 4,6 triệu HKD (khoảng 600.000USD). Ngay sau khi tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh được giới thiệu, thì cuộc đua ngầm giữa các nhà sưu tập đã ráo riết được thực hiện trong việc kiếm tìm tính chân bản của tác phẩm. Không chỉ lập kỷ lục về giá, một niềm vui không nhỏ khác là 2 tác phẩm đã trở về cố quốc, thuộc về nhà sưu tập người Việt... 

Như vậy, nếu so với bức Người bán gạo (La marchande Riz) cũng của Nguyễn Phan Chánh được nhà đấu giá Christie (Hồng Công) bán năm 2013 với giá khoảng 8 tỷ đồng thì đến nay sau 5 năm, những tác phẩm của danh họa này đã tăng lên nhiều lần. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng của hội họa Việt Nam nói chung, các họa sĩ mỹ thuật Đông Dương nói riêng, đang ngày càng được ưa chuộng trên thế giới.

Sàn đấu trong nước nhộn nhịp

Từ phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đầu tiên được xem là chuyên nghiệp do Lạc Việt tổ chức vào ngày 28-5-2016, trong hơn 2 năm qua đã có hàng chục phiên đấu của nhiều nhà đấu giá. Giới nghệ thuật thỏa lòng mong đợi và được thỏa sức sáng tạo, giới sưu tập tranh trong và ngoài nước có thêm những cầu nối mới, phong phú, lành mạnh và phần nào tin cậy. Dẫu kết quả mang lại chưa thực sự như mong đợi, bởi vì câu chuyện tranh giả, tranh nhái vẫn là chuyện không của riêng ai! Và công tâm mà nói, việc chưa có một trung tâm thẩm định và đánh giá tác phẩm nghệ thuật và mỹ thuật, chưa có một quy chuẩn cần thiết của phiên giao dịch, đấu giá mỹ thuật vẫn là sự thiếu chuyên nghiệp cho đến nay.

Đấu giá tác phẩm nghệ thuật ở thị trường mỹ thuật Việt Nam thật ra không mới. Năm 1923 tại Hà Nội, 4 bức tranh của họa sĩ Nam Sơn (1890 - 1973) đã từng tham gia một cuộc đấu xảo và bán thành công. Đây được xem là cột mốc sớm nhất của thị trường mỹ thuật Việt Nam, mà do nhiều lý do về lịch sử nên thị trường này gần như “đóng cửa” suốt mấy chục năm. Hơn 2 năm gần đây, thấy rõ tiềm năng thị trường mua bán các tác phẩm nghệ thuật có thể mang lợi nhuận cao ở Việt Nam, nhiều nhà đấu giá lần lượt ra mắt, các phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật cũng liên tiếp được tổ chức định kỳ.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 20 nhà bán đấu giá chuyên nghiệp. Hoạt động sôi nổi và liên tục nhất là Chọn (Chọn Auction House), trung bình 1 tháng/phiên. Ngoài ra còn có PI, hơn chục nhóm đấu giá tranh trên mạng và hoạt động mạnh nhất là Vietnam Art Space (trên 9.400 thành viên), Viet Art Now (hơn 4.200 thành viên), sàn giao dịch Công ty Tầm nhìn Mỹ thuật Đông Dương (Indochine Art). Đó là chưa nói đến những phiên đấu giá từ thiện của nhiều đơn vị, doanh nghiệp với nhiều tác phẩm nghệ thuật giá trị.

Tuy kích thích sự phát triển của thị trường mỹ thuật nhưng hoạt động của các nhà đấu giá đang đối mặt với nhiều vấn đề. Có nhà ghi bừa tên tác giả - họa sĩ vào tranh “không rõ xuất xứ” mang ra đấu giá, rồi bị chính họa sĩ có tên phát hiện không phải tranh của mình.

Gần nhất là vụ ghi tên họa sĩ Phạm Hà Hải vào một bức tranh “lạ”, khi bị họa sĩ phát hiện đã vội vàng xóa tên. Chọn gần đây nhất bị dính nghi án tranh giả ở các lô tranh mang tên các họa sĩ mỹ thuật Đông Dương gây xôn xao dư luận. Điển hình nhất là bức Phố cũ đề tác giả Bùi Xuân Phái trong một phiên đấu giá năm 2017, giống hệt bức cùng tên, cùng tác giả trong phiên đấu giá của Sotheby’s (Singapore) năm 2006 và phiên đấu giá của Christie’s Hồng Công năm 2014.

Vụ mới nhất là tháng 7-2018, nhà sưu tập Phạm Việt Phương gửi đến Chọn bức tranh lụa chân dung Con gái nhà văn Dương Thu Hương, tác giả Vũ Giáng Hương, sáng tác năm 1995, chữ ký “Huong 95” góc dưới phải, mức giá đề xuất 3.000USD, tác phẩm được trưng bày công khai trước công chúng và kết quả phát hiện đây là bức giả mạo chữ ký họa sĩ Vũ Giáng Hương…

Với các nước phát triển, tác phẩm nghệ thuật đấu giá được xem là tài sản có thể thế chấp ngân hàng, là “bất động sản”, là gia tài của chủ nhân, việc đấu giá tác phẩm đòi hỏi phải minh bạch. Pháp lý chưa đủ chặt, thế nên các nhà thẩm định chuyên môn cần phải vừa có tâm, có tầm và đủ uy tín trong giới, để góp phần tăng giá trị thẩm định tác phẩm. Chưa làm được điều này, thị trường mỹ thuật trong nước dẫu có nhộn nhịp vẫn chưa thể lấy lại niềm tin của công chúng.

Nhiều câu chuyện lùm xùm sau nghi án tranh giả, tranh nhái đã không có sự giải quyết thấu đáo, không thuyết phục được giới nghệ thuật và công chúng, cho thấy hoạt động đấu giá nghệ thuật nói chung còn non kém, thiếu chuyên nghiệp.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương chia sẻ: “Một bức tranh hoặc hiện vật đưa ra đấu giá nếu có nghi vấn mức độ thật, giả thì chủ sở hữu và nhà đấu giá phải chịu trách nhiệm xác minh. Điều này vừa để khẳng định uy tín của nhà đấu giá, vừa là cơ hội đưa vấn nạn tranh giả ra pháp luật”.

Thực tế thì chẳng có nhà nào “truy” ra sự thật, mà chỉ trốn tránh bằng cách gỡ tranh xuống, hoặc lấp liếm bằng kiểu “không biết”, “không rõ”.

Tin cùng chuyên mục