Thi THPT quốc gia năm 2018: Điểm môn Sử thấp do đâu?

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Lịch sử và Tiếng Anh tiếp tục là 2 môn thi có điểm thấp nhất. Tình trạng đáng báo động này không chỉ đến năm 2018 này xã hội mới đặt ra. Điểm thi môn Sử thấp phải chăng do trình độ học sinh hay còn vì lý do nào khác?
Các thí sinh tại kỳ thi THPT quốc gia 2018
Các thí sinh tại kỳ thi THPT quốc gia 2018
Số phận hẩm hiu của môn Sử
Năm 2018, Lịch sử tiếp tục là môn có điểm thi thấp nhất trong số các môn với khoảng 80% thí sinh có điểm thi dưới trung bình. Bộ GD-ĐT khi công bố điểm thi cho rằng điểm trung bình của hầu hết các bài thi, môn thi, gần bằng với điểm trung vị. Điều đó chứng tỏ tính chuẩn hóa của các đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Số lượng thí sinh có điểm trên trung bình của hầu hết các bài thi, môn thi đều chiếm tỷ lệ khoảng từ 50% - 70% (ngoại trừ môn Lịch sử và Tiếng Anh). Điều này cho thấy phổ điểm được phân tán tương đối rộng, đánh giá đúng năng lực của các thí sinh, giảm thiểu đáng kể hiện tượng đoán mò trong các bài thi trắc nghiệm khách quan… Dù Bộ GD-ĐT công bố như vậy, nhưng rõ ràng những con số điểm thi bộc lộ nhiều vấn đề, nhất là kết quả môn Sử đòi hỏi phải mổ xẻ liệu có vấn đề gì trong cách dạy và học, cách thi cử liệu đã thực sự hợp lý chưa?
Nhìn lại kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013, cả nước có hơn 1.000 thí sinh bị điểm 0 môn Lịch sử. Từ đó đến nay, năm nào tỷ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình ở môn thi này cũng thấp và năm nay cũng không ngoại lệ. Thậm chí so với các năm trước, điểm thi môn Sử năm nay là thấp hơn. Ví dụ, điểm trung bình năm 2016 là 4,49 điểm, năm 2017 là 4,6 điểm, còn năm nay là 3,79 điểm. Đáng nói là kết quả này không bất ngờ với các giáo viên dạy môn Lịch sử tại các trường phổ thông. Theo thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), thí sinh hiện nay chủ yếu thi Lịch sử (trong tổ hợp thi Khoa học xã hội) chỉ để xét tốt nghiệp chứ rất ít em chọn môn này trong tổ hợp xét tuyển đại học. Các em chọn thi môn Lịch sử để tốt nghiệp thì đương nhiên chỉ cần tránh được điểm liệt. Còn lại dồn hết sức để học 3 môn chính cho xét tuyển đại học. Việc học và thi đối phó kiểu “không thèm học môn Lịch sử” như vậy thì điểm thi thấp là điều tất nhiên. 
Tại sao thí sinh chọn nhiều hơn nhưng kết quả lại thấp đi?
Có thể thấy, mục đích dự thi của thí sinh đã ảnh hưởng tới điểm môn Lịch sử. Với một kỳ thi 2 mục đích thì tính mục đích của các thí sinh trong kỳ thi thể hiện rất rõ. Những thí sinh dự thi môn Lịch sử với mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ có điểm số tốt hơn hẳn so với những thí sinh chỉ dự thi với mục đích tốt nghiệp. Vì vậy, có nên chăng duy trì cách thi bài thi tổ hợp như hiện tại, khi mà thí sinh chỉ thi với mục tiêu là chỉ cần tránh được điểm liệt?
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, GS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, người đã có nhiều năm làm trưởng ban chỉ đạo kỳ thi quốc gia cho biết, bộ này đã “bàn nát nước” về việc có nên tổ chức kỳ thi “2 trong 1”, hay có nên tổ chức bài thi tổ hợp hay không. “Nhưng trong thời kỳ quá độ để tiến tới việc thi tích hợp, không có cách nào khả quan hơn là bài thi tổ hợp. Mục tiêu của chúng ta là tích hợp thành một bài thi đánh giá năng lực bao gồm kiến thức tổng hợp của tất cả các môn. Nhưng trong giai đoạn hiện nay chưa thể triển khai vì học sinh chưa quen, cách dạy ở trường cũng chưa đổi mới kịp, chỉ có thể làm sau khi có chương trình giáo dục phổ thông mới, tức là sau năm 2021”, GS Bùi Văn Ga nói. 
Thực tế, trước đây khi chưa có bài thi tổ hợp, để thí sinh tự chọn môn thi thì Lịch sử luôn là môn có ít nhất thí sinh chọn nhất, chỉ khoảng hơn 10%. Khi đưa Lịch sử vào tổ hợp Khoa học xã hội thì tỷ lệ thí sinh chọn còn cao hơn tổ hợp Khoa học tự nhiên, như năm nay là trên 50% thí sinh chọn. Đó có thể là điều đáng mừng. Tuy nhiên, số lượng thí sinh chọn thi tăng lên nhưng điểm thi môn Sử ngày càng thấp đi là điều ngành giáo dục phải suy nghĩ. Tại sao khi chọn tổ hợp Khoa học xã hội để dễ tốt nghiệp, thì những môn như Địa lý, Giáo dục công dân, thí sinh đạt điểm cao hơn? Phải chăng bởi nội dung học gắn nhiều với thực tiễn? Minh chứng là điểm thi môn Giáo dục công dân cao nhất trong tất cả các môn, số điểm 10 đứng đầu các môn. Trong khi đó, điểm Sử thấp thê thảm, phải chăng là do có sự vênh nhau giữa học và thi?
Cũng cần thấy một điểm sáng trong kết quả môn Sử, đó là môn Sử có 11 điểm 10 và hơn 700 thí sinh đạt điểm 9 trở lên. Đây chắc chắn là những thí sinh dự thi môn Lịch sử để lấy kết quả xét tuyển ĐH-CĐ, tức là nếu học Sử nghiêm túc với định hướng rõ ràng cho tương lai, kết quả môn Sử sẽ khác.
GS Phạm Hồng Tung, Chủ biên môn Lịch sử chương trình giáo dục phổ thông mới, lý giải đề thi Sử năm nay ra theo hướng đánh giá năng lực, tức không chỉ kiểm tra kiến thức học thuộc, mà còn kiểm tra khả năng nhận biết, thông hiểu, vận dụng… nên nếu thí sinh học Sử vẫn theo lối chỉ học thuộc thì không thể làm bài đạt điểm cao. Rõ ràng đã có sự “vênh” giữa cách học và cách thi hiện nay. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cũng thừa nhận, năm nay, với môn Lịch sử, ban ra đề thi có một bước chuyển về việc định hướng ra các câu hỏi trong đề theo hướng đánh giá năng lực của thí sinh, tức không yêu cầu học sinh phải ghi nhớ hay trả lời các câu hỏi máy móc theo khuôn mẫu có sẵn. Thay vào đó chú trọng về phần vận dụng các kiến thức của lịch sử trong việc giải quyết các vấn đề. “Có lẽ đây là một trong những lý do căn bản khiến kết quả không cao như những môn khác”, ông Trinh nhận định. 
Như vậy, kết quả thi Sử năm nay cũng phần nào sẽ tác động đến cách dạy Sử trong trường học. Sử phải luôn là môn học được coi trọng. Cần tạo niềm yêu thích cho học sinh với môn Sử, đó là điều mà ngành giáo dục phải nghiêm túc suy nghĩ.

Tin cùng chuyên mục