Thêm 4.730 tỷ đồng/năm để miễn học phí THCS

Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, ngoài kinh phí ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và chi thực hiện chính sách chế độ cho học sinh miễn giảm học phí theo quy định hiện nay, khi thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập, hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập thì hàng năm, ngân sách nhà nước sẽ phải chi thêm 4.730 tỷ đồng. 
Cô và trò Trường THCS An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TPHCM trong một giờ lên lớp. Ảnh: Thu Tâm
Cô và trò Trường THCS An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TPHCM trong một giờ lên lớp. Ảnh: Thu Tâm

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 vừa ban hành về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Chính phủ đã thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, nhất là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW theo đề xuất của Bộ GD-ĐT. Đó là chủ trương đúng đắn và hoàn toàn có đủ ngân sách để thực hiện chủ trương này.

Cần thực hiện chính sách phổ cập và giáo dục bắt buộc

Theo Bộ GD-ĐT, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là thực hiện chính sách phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và tiến tới thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm, từ sau năm 2020.

Tuy nhiên, đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với cấp tiểu học, còn cấp THCS, trẻ em học mầm non 5 tuổi (thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thời gian qua, cử tri cả nước đã thông qua đại biểu Quốc hội kiến nghị Nhà nước không thu học phí đối với học sinh thuộc diện phổ cập, không phân biệt học sinh học tại các trường công lập và ngoài công lập.

Bộ GD-ĐT cho rằng, để thực hiện chính sách phổ cập và giáo dục bắt buộc, Nhà nước phải có chính sách đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp và phải không thu học phí (không phân biệt trường công và trường tư), vì hiện nay vẫn còn rất nhiều gia đình có thu nhập trung bình và thu nhập thấp (tiệm cận chuẩn nghèo). Nếu không miễn hoàn toàn học phí cho đối tượng này, sẽ rất khó huy động tất cả học sinh đến trường, và không thể hoàn thành mục tiêu thực hiện phổ cập và giáo dục bắt buộc.

Việc không hỗ trợ học sinh ngoài công lập cũng là không thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển xã hội hóa, khuyến khích các loại hình trường ngoài công lập phát triển, đối xử bình đẳng giữa trường công và trường tư khi thực hiện các dịch vụ công thiết yếu do Nhà nước đảm bảo kinh phí.

Không làm tăng thêm ngân sách

Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, ngoài kinh phí ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và chi thực hiện chính sách chế độ cho học sinh miễn giảm học phí theo quy định hiện nay, khi thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập, hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập thì hàng năm, ngân sách nhà nước sẽ phải chi thêm 4.730 tỷ đồng. 

Theo tính toán, hiện nay mức học phí trung bình lớp mầm non 5 tuổi là 75.854 đồng/em/tháng. Cả nước hiện nay có 1.023.452 trẻ 5 tuổi đang đóng học phí (đã loại trừ số trẻ được miễn học phí theo quy định hiện hành), nên tổng số kinh phí ngân sách để bù học phí diện này là 698 tỷ đồng. Hiện nay, ngân sách cấp chi thường xuyên cho cơ sở mầm non 5 tuổi công lập tính bình quân là 6.080.400 đồng/trẻ/năm. Số trẻ 5 tuổi học ngoài công lập hiện nay là 111.873, tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ là 680 tỷ đồng. 

Đối với cấp tiểu học, hiện học sinh cơ sở giáo dục công lập đã được miễn học phí và cơ sở giáo dục tiểu học đã được ngân sách đảm bảo kinh phí hoạt động theo quy định hiện hành, vì vậy không làm tăng chi ngân sách. Nhưng nếu hỗ trợ đóng học phí cho học sinh cơ sở giáo dục ngoài công lập thì với 159.697 học sinh ngoài công lập hiện nay, ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân là 5.359.680 đồng/em/năm, nên tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ là 855 tỷ đồng.

Đối với học sinh THCS, hiện nay mức học phí trung bình là 51.356 đồng/em/tháng. Hiện nay có 4.636.000 học sinh đang phải đóng học phí (đã loại trừ số học sinh được miễn giảm học phí theo quy định hiện hành). Tổng số kinh phí ngân sách phải chi thêm hàng năm để bù học phí là 2.143 tỷ đồng. Nếu đóng học phí cho 56.695 học sinh THCS ngoài công lập, với ngân sách cấp chi thường xuyên cho cấp THCS công lập bình quân là 6.222.400 đồng/em/năm, tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ là 352 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí thực hiện được Bộ GD-ĐT tính toán cân đối trong 20% chi ngân sách cho GD-ĐT. Cụ thể, hiện nay tổng ngân sách chi thường xuyên cho GD-ĐT theo Nghị quyết Quốc hội phê duyệt mỗi năm tăng 6% - 8%, xét về số tuyệt đối thì hàng năm ngân sách chi thường xuyên cho GD-ĐT tăng từ 10.000 - 13.000 tỷ đồng (ví dụ năm 2018 ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục, Quốc hội phê duyệt là 229.074 tỷ đồng, năm 2017 ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục là 215.167 tỷ đồng, phần tăng thêm là 13.907 tỷ đồng).

Như vậy, với ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hàng năm tăng thêm khoảng 13.907 tỷ đồng, chúng ta hoàn toàn có thể bù đắp kinh phí thực hiện chính sách không thu học phí trường công lập diện phổ cập và hỗ trợ đóng học phí trường ngoài công lập là 4.730 tỷ đồng, chưa kể số dự phòng ngân sách cho giáo dục hàng năm chưa sử dụng.

Vừa qua, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành, nội dung mà Chính phủ thống nhất là miễn học phí trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập sẽ được đưa vào dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.  Dự kiến, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua trong 1-2 kỳ họp tới.

Tin cùng chuyên mục