Thêm 3 nhà xuất bản in sách giáo khoa

Trước thực tế khan hiếm sách giáo khoa (SGK) tại một số địa phương, nhiều ý kiến của dư luận cho rằng trách nhiệm lớn nhất thuộc về NXB Giáo dục Việt Nam (gọi tắt là NXB) trong khâu in ấn và phát hành sách. Để làm rõ hơn, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ TT-TT) - cơ quan quản lý lĩnh vực này.  

° PHÓNG VIÊN: NXB cho rằng nguyên nhân dẫn tới việc khan hiếm SGK những ngày qua là do lượng học sinh đầu cấp tăng đột biến. Ông có nhận xét gì?

° ÔNG CHU VĂN HÒA: Nguyên nhân thì có thể nhiều nhưng nói gọn lại việc không mua được sách nghĩa là không đủ sách, tức là cung ít mà cầu nhiều. Nếu nguyên nhân do việc tăng đột biến của số lượng học sinh thì cần phải đưa ra các con số cụ thể để chứng minh điều đó. Còn về mặt sản xuất, theo báo cáo của NXB thì năm nay không có gì thay đổi, tức là cung giữ nguyên.

Theo thống kê lưu chiểu SGK của NXB thì năm 2016 SGK đăng ký 424 đầu sách với 188.788.810 bản (chiếm 1,4% về số đầu sách nhưng lại chiếm 56,7% bản sách so với toàn ngành).

Năm 2017, con số cụ thể là 675 đầu sách với 159.402.910 bản (chiếm 2,2% về số đầu sách và 50,4% bản sách toàn ngành xuất bản). Có thể thấy mỗi năm số lượng SGK được in ra là rất lớn. Việc học sinh không tận dụng được sách cũ là rất lãng phí. Tuy nhiên về nội dung của SGK chúng tôi không thể can thiệp.

Thêm 3 nhà xuất bản in sách giáo khoa ảnh 1 Đầu năm học 2018-2019 xảy ra tình trạng khan hiếm sách giáo khoa tại một số địa phương

° Với chức năng là cơ quan quản lý xuất bản, cục cần có giải pháp gì để không còn tình trạng học sinh khó khăn trong việc mua sách để học?

° Lâu nay SGK vẫn theo mô hình cũ, chỉ có 1 bộ SGK và chỉ 1 NXB chịu trách nhiệm này. Nhưng theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông thì tới đây thực hiện 1 chương trình nhiều bộ SGK.

Như vậy, việc in SGK sẽ không còn là việc của một nhà, một bộ phận độc quyền mà tạo ra cơ chế, động lực, nguồn lực cho xã hội biên soạn bộ sách mới, tạo ra sự phong phú cho người sử dụng.

Động thái mới nhất là Bộ TT-TT đã cấp bổ sung giấy phép cho các NXB Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Huế có chức năng xuất bản SGK (tất nhiên nội dung SGK phải qua hội đồng thẩm định cấp nhà nước). Hiện nay, các NXB này cũng đang tích cực hoàn thiện và sẵn sàng cho cuộc chơi mới này.

Gần đây, Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đã mở thêm một lớp bồi dưỡng, cấp chứng chỉ biên tập viên cho các NXB này, nhằm chuẩn bị đội ngũ có khả năng biên soạn SGK cho bước phát triển tương lai. Đây cũng là một giải pháp tránh việc độc quyền SGK.

° Khi có nhiều NXB tham gia in SGK thì việc điều tiết ra sao?

° Thiếu hay thừa SGK đến một mức độ nào đó thì buộc cơ quan quản lý nhà nước phải can thiệp. Nhưng thị trường cần phải tự điều tiết theo cơ chế lành mạnh. Các đơn vị sản xuất buộc lòng phải cân đối theo đúng nhu cầu của xã hội cũng như năng lực sản xuất của các NXB. Chỉ có “van” điều tiết thị trường là bền vững và lâu dài.

Tin cùng chuyên mục