Thế giới trong mắt trẻ qua từng trang sách

Một nhà văn nổi tiếng đã từng nhận xét rằng viết cho thiếu nhi thì bản thân tác giả đầu tiên phải là một nhà giáo. Bởi khác với các loại sách khác có thể đưa vào đó những cảm xúc, những tư tưởng cá nhân, sách thiếu nhi, những tờ giấy trắng của cuộc đời lại cần hơn cả sự trong trẻo cùng những dấu ấn đẹp nhất để trẻ em thực sự được sống với hạnh phúc qua từng trang sách.


Nhà thơ Nguyễn Phong Việt giới thiệu sách Xin chào những buổi sáng đến bạn đọc nhỏ tuổi
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt giới thiệu sách Xin chào những buổi sáng đến bạn đọc nhỏ tuổi

“Lọt qua ô cửa nhỏ/Bé lại thấy êm đềm…”

Người ta biết nhiều đến Nguyễn Phong Việt với thành tích “vô địch bán thơ” khi mà sách thơ chỉ bán được 1-2 ngàn cuốn đã là chuyện vui thì thơ của Việt lại bán được trên 100 ngàn cuốn. Người ta cũng biết nhiều đến Việt với dòng thơ trữ tình kiểu “có bao nhiêu người đã đi qua thương nhớ mà quên được nhau”.

Chính vì vậy, hẳn ai cũng ngạc nhiên khi hè 2018, Phong Việt bất ngờ giới thiệu đến bạn đọc nhỏ tuổi một tập thơ thiếu nhi với nhan đề Xin chào những buổi sáng. Được in song ngữ Việt - Anh, tập thơ nhỏ này có khá nhiều điểm đặc biệt. Đầu tiên là hình ảnh minh họa của họa sĩ Đặng Hồng Quân.

Với những ai yêu thích dòng truyện thiếu nhi của Pháp thì hẳn sẽ thấy những bức tranh minh họa này có vẻ “quen, quen” bởi đây cũng là kiểu vẽ minh họa đặc trưng của dòng sách thiếu nhi Pháp mà tiêu biểu là tác phẩm Nhóc Nicolas rất nổi tiếng. Lối vẽ gần gũi nhưng hài hước giúp bạn đọc nhí có cảm tình ngay với tác phẩm thậm chí khi chỉ mới nhìn thấy hình bìa.

Điểm thu hút thứ hai của tập thơ là sau mỗi bài thơ, tác giả để dành một trang để bạn đọc nhỏ tuổi ghi chú những nhận xét, câu thơ tự sáng tác.

Theo tác giả, tập thơ được xây dựng theo hình mẫu “đọc cho con nghe” nên đây cũng sẽ là phần cha mẹ và con cùng giao lưu với nhau qua những vần thơ. Đây cũng là hình thức mới được nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi thực hiện.

Điểm độc đáo cuối cùng được nhà thơ Phong Việt tiết lộ là anh viết các bài thơ từ chính những câu chuyện, những câu hỏi thường ngày của cậu con trai anh như hình dáng những đám mây, như cơn ác mộng đêm nọ rồi cũng có khi là chút dỗi hờn khi ba mẹ đón trễ… và thế là cuốn sách là phản ánh cuộc sống của một cô cậu bé thành thị, ở đó có nhà cao tầng, có kẹt xe, truyền hình cáp... ở đó có ước mơ về thôn quê dù hình dung về làng quê còn khá mờ mịt, chủ yếu là từ các chuyến du lịch: “Bé cứ buồn cứ tiếc/Sau mỗi lần về quê/Thăm họ hàng thân thiết/Lại vội vã trở về… Nơi thành phố đông đúc/Nghe ra một tiếng chim/Lọt qua ô cửa nhỏ/Bé lại thấy êm đềm!...”.

Hè năm nay, nếu muốn tìm một câu chuyện đầy chất thơ thì hai tác phẩm mới cho thiếu nhi của nhà văn “già” Từ Kế Tường là một chọn lựa hấp dẫn. Ở Suối mây hồng, xuyên suốt tác phẩm là những thông điệp vô cùng nhân văn về tình yêu thiên nhiên giúp cho tâm hồn được rộng mở. Dù là truyện dài nhưng với cách viết bay bổng và lãng mạn, tác phẩm gần giống một bài thơ viết bằng văn xuôi, khi dữ dội khi hiền hòa và dù có nhiều trở ngại, tựu trung cái kết vẫn là niềm hy vọng vào cuộc sống.

Còn với Bài hát thần tiên lại đưa bạn đọc nhí đến với một căn phòng học trong ngôi nhà của cậu bé vào mùa hè, mọi thứ đồ vật trong căn phòng ấy đều chộn rộn suốt ngày, cãi nhau về sự có mặt của mình khi cậu chủ vắng nhà. Rồi bỗng một hôm xuất hiện một chú dế mèn, chàng lãng tử thời đại chu du khắp nơi đến nỗi chàng không nhớ mình từ đâu tới, chỉ biết khi tình cờ lạc bước vào căn phòng này mọi thứ khiến chàng ngạc nhiên, cao hứng cất tiếng gáy. Không phải là tiếng gáy mà giọng của chàng lãng tử cất lên để hát. Giọng hát của chú dế mèn lãng tử làm cụ sách thông thái giật mình ngẩn ngơ, bác dép già khó tính hay càu nhàu bà vợ lãng tai im phắt. Cô cửa sổ suốt ngày kể chuyện vườn cây, bầu trời, mùa màng, thời tiết, bỗng “say nắng” tiếng hát của anh dế mèn. Và rồi những câu chuyện thú vị về nhân vật mới vốn bị coi là kỳ lạ so với các đồ vật trong phòng đã diễn ra với đủ mọi rắc rối, lộn xộn.

Hành trình yêu thương với những lá thư

Làm sao để biểu lộ tình yêu của cha mẹ với con cái của mình là một câu hỏi không có lời kết. Nhưng hè năm nay, nếu bậc phụ huynh nào có ý định giúp cho con của mình hiểu về tình yêu không chỉ của chính cha mẹ mình mà của những ông bố bà mẹ khác thì Thư gửi con - Bao giờ cho hết yêu thương là một cuốn sách không thể bỏ qua.

Tác phẩm là tập hợp những lá thư chứa trọn tâm tình mà bác sĩ - nhạc sĩ Vũ Minh Đức và bác sĩ Trần Thị Hồng An dành cho tình yêu bé nhỏ trong cuộc đời tác giả, từ khi con còn là đứa trẻ bé bỏng mới chào đời, và rồi con dần lớn lên trong vòng tay bố mẹ, đến một lúc nào đó con sẽ trưởng thành. Mỗi lá thư cho con đều được viết với ngôn từ sáng rõ, dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm của một người cha, một người mẹ, cũng giống như bao nhiêu người làm cha, làm mẹ trên thế gian này, là dành hết yêu thương và dành cả cuộc đời cho con mình.

Sức cuốn hút của quyển sách chính là cảm xúc. Cảm xúc từ sự tinh tế. Cảm xúc từ những ước muốn tử tế, những ứng xử tử tế, những việc làm tử tế. Cảm xúc lan tỏa từ tâm hồn người cha, người mẹ và của cả những đứa con.

Cũng nằm trong dòng sách dành cho con trẻ năm nay là sự xuất hiện của một bộ sách khá đặc biệt, sách dành cho trẻ chưa biết đọc. Với tên gọi Ehon - picture books, thực tế đây là 2 loại sách được gom chung lại. Ehon là sách tranh của Nhật Bản còn Picture Book là sách tranh song ngữ. Điểm chung ở cả 2 thể loại sách này là đều được các nhà sản xuất và tác giả dụng công nghiên cứu để tạo ra nội dung và hình thức phù hợp với từng độ tuổi. Nội dung của sách thường chứa đựng những câu chuyện đơn giản nhưng ẩn chứa đằng sau những thông điệp nhân văn sâu sắc.

Điểm đặc biệt là các loại sách này được thiết kế để cha mẹ đọc cho trẻ nghe, trẻ sẽ học hỏi được cả về ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như ngôn ngữ thứ hai (tiếng Anh). Trẻ cũng có thể đọc cùng cha mẹ (đổi vai cho nhau) hoặc “tự đọc” dựa vào trí nhớ và vừa đọc vừa “sáng tác” thêm.

Nội dung ehon và picture books rất phong phú, phù hợp với nhiều độ tuổi như sách cho trẻ thích khám phá, sách dạy trẻ tự lập, sách cho trẻ thích tìm hiểu khoa học… Bộ sách này đã được Hiệp hội Thư viện Mỹ khuyến khích đọc cho trẻ em tại Mỹ.

Năm nay, sách dịch cũng rất đa dạng chủ yếu là dòng sách đến từ các quốc gia châu Âu, Mỹ, Nhật như bộ sách thiếu nhi được xếp vào hàng kinh điển của thế giới Clinffor - Chú chó đỏ khổng lồ, 8 câu chuyện đẹp nhất về Ếch Xanh và Zozo chú khỉ hiếu kỳ.

Trong khi đó, Tu tu xình xịch - Đoàn tàu trong mơ và Ngủ ngon nhé, Công trường là những một câu chuyện thần tiên dành để bố mẹ kể cho con nghe trước giờ đi ngủ. Những không gian tấp nập, vui tươi nơi bến tàu, công trường sẽ theo con vào giấc mơ. Được viết bởi nhà văn Sherri Duskey Rinder và minh họa bởi Tom Lichtenheld, cả hai  cuốn sách đều được thể hiện với ngôn từ dễ hiểu, phù hợp với những độc giả nhỏ tuổi. Những bức tranh minh họa trong sách với màu sắc ấn tượng cùng cách thể hiện hình ảnh hóm hỉnh, đáng yêu sẽ thu hút các bạn nhỏ ngay từ ánh nhìn đầu tiên.

Tin cùng chuyên mục