Thầy giáo của thanh niên nghèo, trẻ cơ nhỡ

Đứng dậy sau khi vấp ngã, thoát ra khỏi đội quân “bụi đời”, Hồ Quốc Thống (32 tuổi, quê Quảng Ngãi) đã trở thành thầy giáo dạy nghề nhiếp ảnh của hơn trăm học viên nghèo. Đó là cả một hành trình thay đổi, vươn lên vì chính mình và rất nhiều người khác của Thống.
Thầy giáo Thống hướng dẫn các học trò
Thầy giáo Thống hướng dẫn các học trò

Vượt qua bóng tối

Nhà nghèo, 13 tuổi, Hồ Quốc Thống nghỉ học. Năm 1999, Thống theo cậu ruột vào TPHCM, ở chung với gia đình cậu trong căn phòng trọ xập xệ tại quận 3. Người cậu mua bán ve chai, Thống lãnh vé số đi bán dạo. Một năm sau, gia đình gặp chuyện nên người cậu về quê, còn lại Thống đơn độc. Cậu bé bắt đầu chuỗi ngày lang thang bán vé số trên mọi nẻo đường, sau đó đi phụ bán kính chiếu hậu, phụ thợ hồ công trình… và cuối cùng theo đám bạn đường phố “đi bụi”. Có những ngày, cả đám trẻ 7 - 8 đứa chỉ còn vài ngàn đồng để mua mấy ổ bánh mì khô cứng chia nhau cùng ăn và đến khi còn không đủ tiền để lót dạ, đám trẻ quyết định đi... trộm cắp. Thói hư, tật xấu của cuộc sống đường phố ngấm dần vào các cậu bé. Cho đến một đêm mưa, khi nằm ngủ thiu thiu trong một hiên nhà, Thống nghĩ về cha mẹ, nghĩ về nỗi tủi nhục mà đấng sinh thành có thể phải gánh chịu khi tất cả những điều Thống đang làm đây một ngày nào đó sẽ lan truyền về quê...

May mắn đã gõ cửa cuộc đời Thống, khi vào giữa năm 2003, cậu gặp một người bạn làm nghề đánh giày ở Mái ấm Tre Xanh. Người bạn này rủ Thống đi học nhiếp ảnh ở Thị Nghè do Hội Bảo trợ trẻ em đường phố tổ chức. Không ngờ, học được 3 tháng thì Thống mê luôn nhiếp ảnh và tìm được con đường phía trước mình đi. Được sự hỗ trợ của thầy Nguyễn Văn Tuyển (quản lý mái ấm), Thống xin vào ở hẳn mái ấm của dự án “Trẻ lớn hội nhập nghề nghiệp”. Miệt mài học, Thống thạo nghề, kiếm được tiền, ra khỏi dự án và năm 2005, Thống lần đầu về quê thăm gia đình, đưa cho cha mẹ những đồng tiền lao động chính đáng. 

Hết lòng vì học trò nghèo

12 năm qua, Studio Dreams ở số 40H Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12, TPHCM) của thầy giáo dạy nhiếp ảnh Hồ Quốc Thống đã trở thành ngôi nhà thân quen của rất nhiều bạn trẻ kém may mắn, có gia cảnh khó khăn. Studio có đầy đủ các dịch vụ chụp ảnh cưới, gia công ảnh, cho thuê áo cưới, trang điểm cô dâu... Đó không chỉ là nơi làm việc, mà còn là ngôi nhà của những bạn trẻ chung cảnh ngộ như Thống bắt đầu hành trang nghề nghiệp vào đời. Năm 2007, Thống mạnh dạn vay vốn từ “Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” (thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên TPHCM), sau khi nhận danh hiệu “Công dân trẻ TPHCM năm 2006”. Thống mở tiệm áo cưới Dreams (là cơ sở tổ chức dạy nghề, nuôi ăn và lo chỗ ở miễn phí cho 75 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn), đồng thời ấp ủ giấc mơ thành lập cơ sở dạy nghề nhiếp ảnh miễn phí cho trẻ em lang thang cơ nhỡ và một trung tâm hỗ trợ đám cưới giá rẻ cho thanh niên công nhân tại quận 12. 

Thống tâm sự: Sau một năm làm việc, tôi trả được nợ, sau 2 năm mở được thêm chi nhánh thứ 2 của tiệm studio và sau 4 năm thì mua được nhà ở Hóc Môn. Nghĩ lại quãng đời đã qua, kể cả những sai lầm tuổi nhỏ nghèo khó mắc phải, tôi luôn lấy đó làm động lực để mình cố gắng đổi thay. Nhìn các em ở mái ấm hay trẻ lang thang, tôi thương lắm, nhớ lại mình của ngày đó, nên tôi đã dành thời gian dạy nghề và nuôi ăn ở cho các em trong thời gian học nghề. Học xong, ai muốn làm ở tiệm cũng được. Ai muốn mở tiệm riêng thì tôi hỗ trợ thêm”.

Các bạn trẻ đến xin học được Thống lo cho việc dạy nghề lẫn nuôi ăn, bảo bọc trong khoảng 6 - 7 tháng. Lúc đông nhất, Thống đã nuôi ăn, học trong nhà tới 23 học viên. Thống lo dạy nghề, từ lý thuyết đến thực hành cặn kẽ cho các bạn, còn vợ Thống thì lo cơm nước. Tới bữa ăn cơm, hàng chục học viên ngồi xếp hàng dài như ăn đám tiệc. Đó là những ngày Thống khá vất vả, chạy khắp nơi kiếm thêm mối chụp hình cô dâu chú rể, mối gia công hình ảnh để có công việc cho các bạn trẻ. 

Đến nay, sau 12 năm “mở lớp”, đã có cả trăm học viên ra nghề, có công ăn việc làm ổn định từ Studio Dreams của thầy giáo Thống.

Tin cùng chuyên mục