Câu chuyện chủ nhật

Thật - giả, giả - thật

Thật đáng mừng là thời gian gần đây thị trường mỹ thuật đã có dấu hiệu khởi sắc nhờ lượng thông tin dày đặc về các cuộc đấu giá tranh Việt thành công ở nước ngoài. Như vậy, có thể trong tương lai gần, tranh Việt sẽ có chỗ đứng và việc mua tranh, tặng tranh, sưu tập tranh sẽ không còn là hiện tượng đơn lẻ, làm phong phú hơn đời sống tinh thần. Cũng có chút chạnh lòng khi tâm lý “bụt chùa nhà không thiêng”, tin vào người ngoài hơn người trong nhà vẫn còn lấn át, thể hiện rõ qua một triển lãm tranh Việt tại TPHCM được mang từ nước ngoài về mà có tới 70% tranh trưng bày là tranh giả, tranh nhái. Sau đó, người ta bắt đầu đặt dấu hỏi về sự giám định, tuyển chọn của các chuyên gia giám tuyển từ các gã khổng lồ Sotheby’s hay Christie’s. 

Gần đây nhất, bức tranh lụa Chơi ô ăn quan của cụ Nguyễn Phan Chánh dù được giá cao ngất ngưởng ở Paris, song lại dấy lên nghi ngờ về sự xác tín khi bản gốc được nhà sưu tập Đức Minh mua về từ Pháp, trường hợp hy hữu khi một tác phẩm Việt tìm được đường về cố hương và theo một họa sư giấu tên thì bản gốc vẫn còn ở trong nước, đang nằm dưới gối bà vợ ông Đức Minh, sau khi ông qua đời. 

Tương tự là bức tranh lụa Enfant à loiseau (Em bé cho chim ăn, mực và bột màu trên lụa) được gõ búa ở Hồng Công với giá 850.000 USD, nhưng được nhìn thấy ở nhiều nơi, một dạng tranh chép treo như thật. Theo một công bố của họa sĩ Đỗ Quốc Bảo, cuối thập niên 60 thế kỷ trước, trong số 27 tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia lưu giữ, có tới 22 tranh liên tục được sao chép “theo nhiệm vụ”.

Thật ra, lằn ranh thật - giả, tranh chép hay bản gốc vẫn gây tranh cãi khi ngày trước chuyện đó là chuyện “nhỏ như bức phác thảo” vì ngay chính cụ Nguyễn Phan Chánh và nhiều họa sư khác (rất tiếc là không biết rằng tranh mình có giá như thế sau khi mất) đã từng chép lại tranh mình hay cho phép các môn đệ vẽ lại rồi ký tên phía dưới. Đó là sự việc bình thường của thời còn chưa có khái niệm về tính nguyên bản và độc bản, một yêu cầu tất yếu của thị trường mỹ thuật thời nay. Cho nên việc mua tranh của các cây cọ thuộc trường phái mỹ thuật Đông Dương hoặc muộn hơn là các họa phẩm sau năm 1945 đều được coi là hành động “dũng cảm”. Và, nếu được đánh giá về mặt cảm quan và cảm giác là “gần với bản gốc hơn cả”, thì đã có thể coi đó là một cú áp phe thành công, với hy vọng tranh tăng giá gấp nhiều lần so với lúc mua.

Nhưng không phải ai cũng hiểu, cũng biết đánh giá đúng giá trị thực của tác phẩm nghệ thuật. Để làm được điều đó, không thể không nhờ cậy sự trợ giúp của đội ngũ chuyên gia nghệ thuật, đội ngũ giám tuyển, mà vai trò của họ còn lớn hơn nhiều so với khái niệm cổ điển về “cò” hay “trung gian” mua bán. Dĩ nhiên, thời bùng nổ truyền thông xã hội cũng làm sâu sắc hơn thị trường tác phẩm mỹ thuật khi ai cũng có thể trở thành nhà sưu tập nếu có đam mê, có tiền, một điều rất khác xưa. Và hay hơn nữa, chúng ta còn biết những góc khuất hội họa vốn cực kỳ bí hiểm với quảng đại người dân. Minh chứng rõ nhất là vụ bảo quản, gìn giữ bức sơn mài Vườn xuân Trung - Nam - Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí, từng được Chính phủ mua với giá 100.000 USD cách đây 30 năm và công nhận là bảo vật quốc gia từ năm 2013. Bức tranh này sự thật là bảo vật với hồn dân tộc, sự tuyệt mỹ của các chi tiết và bố cục. Thời gian qua đi, bức sơn mài vốn trầm mặc trong Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM bỗng vụt được nhắc đến một cách đau xót từ nhiều phía khi nó bị mang thương tích đầy mình với các lớp sơn, lớp trứng cẩn và kể cả vàng dát… không cánh mà bay. Đau như nỗi đau nhân loại trong vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris, đến mức có người so sánh đó là sự mất mát của lịch sử. Từ đó mới có “thuyết âm mưu” rằng tranh của cụ Nguyễn Gia Trí là tranh giả và dù đã được một số họa sĩ nổi danh đến chứng thực rằng “99% là tranh thật” thì vẫn chưa thể xóa tan những nghi ngờ của cộng đồng người yêu nghệ thuật. Vấn đề nữa là lời giải thích của lãnh đạo bảo tàng rằng do làm “vệ sinh” nên “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” như thừa nhận của vị phó giám đốc bảo tàng này: Thực hiện xong thì có nhiều nhận xét như độ bóng của bức tranh khác lạ so với ban đầu, phần cẩn trứng bị mất đi bề mặt, một ít vàng bị trôi, độ sâu của tranh cũng bị ảnh hưởng.

Thật lạ là tại sao tranh sơn mài lại được làm “vệ sinh” và hơn nữa lại được bảo quản trong môi trường máy lạnh, khô ráo? Chúng ta ai cũng biết rằng tranh sơn mài có hàng trăm năm trước trong các đền chùa, miếu mạo vẫn còn nguyên vẹn màu sắc, độ sâu dưới các lớp sơn ta; kẻ hủy hoại sơn mài lớn nhất là khí hậu khô và lạnh vì khi mang tranh sơn mài ta sang châu Âu thì chỉ được ít thời gian là chúng ta chứng kiến nó bị bong sơn, cong vênh. Thế mà chúng ta lại cho sống trong môi trường máy lạnh giống như người trong cái nóng tháng tư đổ lửa?! Rõ ràng rất cần sự thanh tra, kiểm tra toàn diện từ phía Bộ VH-TT-DL, vì mọi sự phục chế dù là nhỏ nhất với các bảo vật quốc gia đều cần một hội đồng giám định gồm các chuyên gia uy tín nhất trong và ngoài nước. Xa hơn nữa, đó là chuyện đào tạo nguồn nhân lực cho công tác bảo tàng và mỹ thuật nói chung nhưng đó lại là câu chuyện khác.

Tin cùng chuyên mục