Tháo gỡ rào cản để hỗ trợ đổi mới, sáng tạo

Vấn đề khởi nghiệp công nghệ (startup) hay khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) không còn mới ở Việt Nam. Nhưng sau mấy năm thực hiện, hệ thống doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST vẫn chưa thực sự hiện hữu. Tinh thần khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam là rất lớn và được quan tâm từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương; nhiều khu “vườn ươm” doanh nghiệp công nghệ cũng đã ra đời. Thế nhưng, vấn đề cốt lõi của startup hay khởi nghiệp ĐMST là nguồn vốn và cách tiếp cận các nguồn tài chính của những doanh nghiệp này vẫn còn rất khó khăn, đòi hỏi có những chính sách mới, quyết liệt hơn.

Mới đây, Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn II (IPP2), phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) và Bộ Ngoại giao Phần Lan đưa ra một số nguyên tắc hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST như: các tổ chức hỗ trợ vốn nhà nước cho khởi nghiệp nên chấp nhận rủi ro trong thời gian hỗ trợ ban đầu. Bởi đặc thù lớn nhất của khởi nghiệp ĐMST là rủi ro, sự khó đoán của việc đầu tư; trong 10 doanh nghiệp được đầu tư thì có khi đến 9 sẽ “chết”. Cùng với đó, cần có những chính sách để hỗ trợ, chia sẻ rủi ro cho các nhà đầu tư; trong đó, quan trọng nhất là chính sách về thuế, về đối ứng đầu tư từ Nhà nước với tư nhân; giảm tối đa thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp… 

Ông Jouko Ahvenainen, chuyên gia Chương trình IPP2 cho rằng, có nhiều công ty mạo hiểm, công ty quản lý quỹ… quan tâm đến giai đoạn đầu của quá trình khởi nghiệp sáng tạo. Thế nhưng, hiện nay ở Việt Nam, vấn đề pháp lý cho sự hoạt động của một quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia về KH-CN lại chưa có. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình khởi nghiệp ĐMST.

Theo Bộ KH-CN, trong năm 2016 và 2017, hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam diễn ra rất sôi động với 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo, 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Trong đó, một số doanh nghiệp startup đã gọi vốn thành công từ những nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị lên đến hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, so với mục tiêu của Đề án 844 (về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025) thì còn xa. Chẳng hạn, Đề án 844 đặt mục tiêu đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp ĐMST; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; 100 doanh nghiệp tham gia đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Tính đến đầu năm 2018, có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam, điển hình là: IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures, Gobi Partners, 500 Startups..., tăng khoảng 30% so với năm 2016. Trong số này, hầu hết là của nước ngoài. Những quỹ đầu tư mang tính “mạo hiểm” hoặc “hỗ trợ khởi nghiệp” của Việt Nam hiện nay còn rất ít. Những quỹ đầu tư “thuần Việt” như: Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo TPHCM (HSIF) hay FPT Ventures là rất hiếm hoi. 

Trong khi các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp ĐMST Việt Nam sẽ nhắm đến lợi nhuận và thời gian thu hồi vốn thì với quỹ đầu tư của Việt Nam, giá trị hướng đến là gia tăng nội lực cho các startup, giúp doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng làm chủ công nghệ mới. Đó là những giá trị không thể đong đếm được từ hoạt động khởi nghiệp ĐMST về lâu dài. Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho rằng, để hoạt động khởi nghiệp ĐMST thực sự đi vào chiều sâu, lan rộng và đóng góp tích cực, bền vững cho nền kinh tế - xã hội đất nước, cần phải có quy định pháp lý, trước mắt có thể là thông tư về hoạt động đầu tư mạo hiểm. Cùng với đó, theo các chuyên gia, cần hình thành một quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, bởi hoạt động của Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hiện nay, do quy định, không thể tham gia đầu tư vào lĩnh vực này một cách mạnh mẽ. Những quy định mang tính pháp lý cụ thể, rõ ràng về đầu tư mạo hiểm được ban hành, không chỉ giúp các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đẩy mạnh hoạt động ở Việt Nam mà còn giúp việc hình thành nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm thuần Việt, hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận, đóng thuế ngay tại Việt Nam. Từ đó, vấn đề đầu tư và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp ĐMST, vốn được xem là rào cản lớn nhất, sẽ không còn là trở ngại chính trong việc hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp ĐMST của Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục