Thành phố văn minh phải thực sự vệ sinh

Giữ gìn vệ sinh TPHCM là vấn đề đã được đề cập từ rất lâu, nhưng đến nay vẫn chưa cải thiện đáng kể.

Hiện nay, khắp nơi ở thành phố chúng ta, tình trạng mất vệ sinh, chưa bảo đảm mỹ quan đô thị vẫn diễn ra rất phổ biến. Nhiều kênh rạch bị đổ rác bốc mùi hôi thối, nhất là khi nước triều xuống. Các miệng cống lúc nào cũng có rác. Mặt đường thường đọng nước, mất vệ sinh. Trên đường luôn có rác, kể cả rác do người đi đường cố ý vứt xuống. Một số công viên không chỉ có rác thải mà còn là nơi bị phóng uế, vứt kim tiêm sau khi sử dụng ma túy. Nhiều nhà vệ sinh công cộng hôi hám, nóng bức, khiến khách vãng lai ngại sử dụng. Một số thùng rác công cộng trở thành điểm tập kết rác, bởi nhiều người thay vì bỏ rác vào thùng thì cứ tiện tay vứt rác quanh thùng, mặc cho ruồi nhặng bu đầy. Không hiếm những xe rác chạy nhong nhong trên đường bốc mùi hôi, có khi còn để nước rỉ chảy giọt xuống đường.

Nguyên nhân của tình trạng mất vệ sinh đô thị có cả phía người dân và phía tổ chức của Nhà nước. Về phía người dân, chủ yếu do ý thức giữ gìn vệ sinh quá kém. Đi trên đường, tiện tay là vứt rác xuống đường. Có không ít thanh niên ăn mặc lịch sự, chạy xe đắt tiền, kể cả ngồi ô tô, nhưng vẫn vô tư xả rác. Không ít người sống ở gần đường hay đổ nước thải ra đường (kể cả những điểm rửa xe, bán thức ăn, nước uống), khiến mặt đường trở nên chẹp nhẹp. Còn cây xanh, tường, cột điện thường bị viết vẽ, treo dán bảng quảng cáo, sơn xịt lung tung…

Về phía tổ chức của Nhà nước, có lẽ yếu tố căn bản là chưa tác động đủ mạnh để giúp người dân thay đổi ý thức về vấn đề vệ sinh môi trường. Trước giờ, công tác tuyên truyền đã được thực hiện bằng nhiều cách nhưng thực tế hiệu quả rất thấp. Biện pháp cần thiết là phải tác động đến nhận thức và hành vi, để mỗi người thấy việc xả rác là điều không được phép làm (nếu làm sẽ bị xử phạt), là điều không nên làm (nếu làm sẽ bị mọi người chê cười). Đã có quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi xả rác và gây ô nhiễm môi trường, nhưng trên thực tế rất ít khi xử phạt nên độ răn đe rất thấp. Chính quyền các địa phương cũng chưa quản lý tốt các công ty vệ sinh, các “đường dây rác”, có nơi lấy rác không đều (2 - 3 ngày mới lấy một lần), không chở rác bằng xe chuyên dụng, còn để rác rơi vãi trên đường, chậm sửa chữa các ổ gà, ổ chó trên đường, không kịp thời nạo vét cống rãnh, khơi thông dòng chảy…

Trong khi TPHCM đang thực hiện Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù, đồng thời tiến hành thực hiện đề án xây dựng thành phố thông minh, thì yêu cầu quan trọng và trước mắt nên làm là thực hiện thành phố vệ sinh, thành phố văn minh. TPHCM phải là một thành phố xanh, sạch, đẹp trước khi là một thành phố hiện đại, thông minh. Cần mở ngay một cuộc vận động rộng lớn về việc xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, thực sự là một đô thị văn minh, thân thiện với môi trường. Xin đề xuất một số giải pháp:

Nhân cơ chế đặc thù, cần xây dựng các quy định xử lý riêng của TPHCM về vấn đề vệ sinh môi trường, trong đó cần tăng cường các biện pháp xử phạt, tăng mức tiền xử phạt, mở rộng hình thức xử phạt (gồm phạt tiền, khắc phục nguyên trạng, phạt lao động công ích…); xây dựng lực lượng cảnh sát môi trường (hoặc thanh tra đô thị) có chức năng xử lý các vấn đề môi trường của thành phố; cách thức sử dụng nguồn thu từ xử phạt; cơ chế khen thưởng cho tổ chức và cá nhân thực hiện tốt công tác môi trường, xây dựng đô thị văn minh…

Nên tổ chức lại việc quản lý vệ sinh môi trường của thành phố. Tùy lĩnh vực nên phân cấp về các địa phương (quận hoặc phường) quản lý vệ sinh môi trường trên địa bàn mình, hoặc các cơ quan công ích có chức năng bảo đảm vệ sinh đô thị;  có cơ chế xử lý người đứng đầu, cơ quan chuyên trách nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm hay mất mỹ quan nghiêm trọng. Tổ chức lắp đặt đủ các thùng rác công cộng, các nhà vệ sinh công cộng, các điểm trung chuyển rác, thay thế dần các phương tiện vận chuyển, thu gom rác không bảo đảm vệ sinh môi trường.

Gắn xây dựng thành phố thông minh với xây dựng thành phố văn minh, trong đó đầu tư hệ thống giám sát và báo động về rác, mùi hôi, lượng khói bụi và các khí độc hại trong không khí, độ ô nhiễm của nguồn nước… ở từng khu vực và có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời. Trong đó, từng khu vực có hệ thống camera và quan trắc để phát hiện hành vi gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm, để xử phạt tổ chức hoặc cá nhân gây ô nhiễm; có các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm (như dùng xe xịt rửa đường, thu gom rác, hạn chế phương tiện cơ giới lưu thông trong một khoảng thời gian nhất định…).

Tổ chức thực hiện công sở văn minh, sạch đẹp một cách thực chất và bền vững. Trong đó, phát động các trụ sở cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, bến xe, nhà ga… thực hiện chiến dịch xanh - sạch - đẹp bằng cách tạo nhiều mảng xanh, thu dọn rác thải, cải tạo môi trường xung quanh trụ sở. Hàng tuần, thực hiện “ngày chủ nhật xanh” ở trên từng tổ dân phố, khu dân cư để dọn rác, trồng cây xanh, cải tạo cảnh quan... Các hoạt động này cần được tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục để tác động mạnh mẽ đến nhận thức người dân, kết hợp với các biện pháp khác góp phần chuyển biến về hành vi xây dựng thành phố văn minh trong người dân.

Tin cùng chuyên mục