Thành phố Hồ Chí Minh tri ân người có công - Bài 2: Mẹ không đơn độc

Qua 32 đợt phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý, đến nay, TPHCM có 5.184 Mẹ Việt Nam anh hùng. Không có nỗi đau nào lớn hơn, đau hơn nỗi đau của những người mẹ đã mất chồng, mất con. 
Ý thức được điều đó, trong những năm qua, chính quyền và đông đảo nhân dân TPHCM đã thực hiện phong trào phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam anh hùng, mong mỏi phần nào bù đắp những mất mát, nỗi đau của các mẹ.
Thành phố Hồ Chí Minh tri ân người có công - Bài 2: Mẹ không đơn độc ảnh 1 Các bạn trẻ Sở LĐTB-XH TPHCM thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Liếu (86 tuổi, ngụ huyện Củ Chi)
Nguyện làm con của mẹ
Nhớ lại khoảng thời gian 2 năm trước khi Cục Thuế TPHCM nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Chúng (nay 87 tuổi, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi), ngày đưa mẹ từ hội trường Huyện ủy Củ Chi về nhà, các đoàn viên, cán bộ Cục Thuế TP không kiềm được nước mắt vì cuộc sống của mẹ còn quá đơn sơ.
Chị Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, nhớ lại. Không ai nói với ai lời nào, mọi người tự phân công nhau, người chạy đi mua bát để cắm nhang, người chạy ra chợ mua đồ về nấu bữa cơm ngon cho mẹ, người lau dọn, người chạy đi mua cái tivi, cây quạt máy, để mẹ xem truyền hình cho đỡ buồn. Sau ngày hôm ấy, hàng tháng cán bộ, nhân viên Cục Thuế thay phiên nhau về thăm mẹ.
Ngoài số tiền phụng dưỡng 2 triệu đồng/tháng, mỗi lần về thăm mẹ, mọi người lại mua trái cây, quà bánh, ra chợ mua thịt, cá để nấu cho mẹ bữa cơm. Rồi khi nghe tin mẹ bệnh hay mệt trong người, anh chị em lại tức tốc về thăm.
“Hôm mọi người gom góp tiền để may tặng mẹ bộ áo dài nhung dành khi đi đám tiệc, mẹ vui lắm. Lần nào về thăm, mẹ cũng kể nhiều về quá khứ, nhớ chồng con”, chị Hương bùi ngùi.
Mới đây, tập thể cán bộ, công nhân viên người lao động Sở Tư pháp TPHCM đã về thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Săng (80 tuổi, ngụ xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) để tri ân những hy sinh của mẹ cho hòa bình hôm nay. Hơn 2 năm trước, khi nhận phụng dưỡng mẹ Săng, Ban Chấp hành Công đoàn Sở Tư pháp nghĩ công tác chăm lo mẹ phải thường xuyên và lâu dài; vậy là lên kế hoạch, phân công mỗi phòng ban thay phiên nhau 1 tháng về thăm mẹ một lần. Thấy nhà mẹ dột, xuống cấp, đường dây điện không an toàn, mọi người chung tay đóng góp để xây cho mẹ mái nhà khang trang, sửa lại hệ thống điện. 
Chăm lo mọi mặt
Thời gian qua, tuổi trẻ TPHCM rất tích cực thực hiện phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng. Năm 2014, Thành đoàn TNCS TPHCM đã làm lễ nhận phụng dưỡng suốt đời 27 Mẹ Việt Nam anh hùng và hiện nay các bạn trẻ TP đang phụng dưỡng 19 mẹ. Các cơ sở đoàn, các đơn vị thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc các mẹ với mức phụng dưỡng tối thiểu 2 triệu đồng/tháng, dọn dẹp nhà cửa, phụ mẹ lau tủ thờ và thắp nhang đèn cho các liệt sĩ. Hiện tuổi trẻ TP đang thực hiện “Sổ theo dõi sức khỏe cho các Mẹ Việt Nam anh hùng” và lập cơ sở dữ liệu thông tin về Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn TPHCM. 
Anh Nguyễn Minh Chí, con Mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Nhành (ngụ huyện Nhà Bè), chia sẻ, những người thân yêu nhất của mẹ đã ra đi, song mẹ không cô đơn bởi bây giờ mẹ có nhiều người con khác - là các anh chị ở đơn vị nhận phụng dưỡng và cơ quan, đoàn thể - thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc mẹ. Theo anh Chí, mỗi lần các anh chị đến thăm, mẹ vui lắm, đó cũng là động lực cho mẹ sống lâu hơn, vui hơn!
Trong tổng số 5.184 Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện có 280 mẹ còn sống. Và phong trào phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng đã được đông đảo các cơ quan, tổ chức và nhân dân tích cực tham gia.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết cùng với thực hiện đầy đủ chế độ chính sách ưu đãi theo Pháp lệnh Người có công với cách mạng (thực hiện chung trong cả nước), TPHCM còn chi từ nguồn ngân sách của TP trợ cấp thêm cho mỗi mẹ 2 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp nhận chăm sóc suốt đời với mức phụng dưỡng từ 2 - 4,5 triệu đồng/mẹ/tháng. Sự chăm sóc phụng dưỡng được biểu hiện cụ thể bằng các hình thức linh hoạt.
Ngoài ra, TP có Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè, là nơi phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ liệt sĩ, cán bộ chính sách già yếu và Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống neo đơn. “Các Mẹ Việt Nam anh hùng được phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời, luôn được TP quan tâm về tinh thần và vật chất. Những việc làm đó cũng chỉ mong phần nào chia sớt nỗi buồn, bù đắp một phần những mất mát hy sinh cao cả của các mẹ”, ông Lê Minh Tấn chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục