Thành phố Hồ Chí Minh tri ân người có công- Bài 1: Những căn nhà tình nghĩa

Cứ có thêm mỗi căn nhà tình nghĩa là đã gieo thêm niềm vui, hạnh phúc cho những gia đình thương binh, liệt sĩ gặp khó khăn về chỗ ở. 
Niềm vui của chị Bùi Thị Kim Thoa trong căn nhà tình nghĩa
Niềm vui của chị Bùi Thị Kim Thoa trong căn nhà tình nghĩa
LTS: Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 271.000 người có công và thân nhân đang hưởng chế độ theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Suốt nhiều năm qua, TPHCM đã dành nhiều tâm sức, sáng tạo nhiều hình thức chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng… Cùng với trân trọng về mặt tinh thần, người hưởng chính sách có công cũng được quan tâm nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn người dân cùng địa bàn cư ngụ. 
Các chương trình, hoạt động của TPHCM góp phần nối tiếp, làm đẹp thêm truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; thể hiện sự tri ân, tôn kính, ghi nhớ sâu sắc công lao to lớn của lớp lớp cha anh đã hy sinh cho Tổ quốc. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017), Báo SGGP chia sẻ về các hoạt động ý nghĩa này, qua loạt bài “Thành phố Hồ Chí Minh tri ân người có công”.
Không thể kể hết những nghĩa cử và việc làm sáng ngời đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người dân TPHCM trong phong trào xây nhà tình nghĩa những năm qua. Nhờ sự sẻ chia, nhiệt tình góp sức của các tầng lớp nhân dân, theo thời gian, số lượng nhà tình nghĩa cứ tăng dần lên. 
Thiết thực
Dịp 27-7 năm nay, gia đình anh Huỳnh Hữu Tuấn (ngụ huyện Nhà Bè) được niềm vui lớn. Ngôi nhà của gia đình, sau hơn 1 tháng xây dựng, đến nay những công đoạn cuối cùng vừa hoàn tất. Gia chủ hoan hỉ kê lại giường tủ, sắp xếp đồ đạc. Anh Tuấn không quên thắp nén hương lên bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Văn Chín, ông ngoại mình, để báo tin có nhà mới. Anh chia sẻ, trước đây, nơi ở của gia đình trông như là nhà, song thật ra không phải là nhà. “Chúng tôi “ăn gian” 2 bức tường của 2 nhà kế bên, bắc kèo ngang qua, lợp mái tôn lên, vậy là ở”, anh Tuấn mô tả. Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Tua, bị tai biến liệt nửa người bên trái, nằm một chỗ nhiều năm nay. Với thu nhập ít ỏi từ công việc may gia công, trên là mẹ già đau yếu, dưới có con thơ, vợ chồng anh Tuấn không dám nghĩ đến chuyện xây nhà mới. Cho đến đầu năm 2017, được huyện Nhà Bè hỗ trợ 70 triệu đồng, anh Tuấn mượn lối xóm thêm 30 triệu đồng, và ngôi nhà được xây từ tình từ nghĩa của chính quyền cùng người dân đã hoàn thiện, kiên cố.  
Cũng vừa được xây tặng nhà mới, ngày 18-7, gia đình chị Bùi Thị Kim Thoa (ngụ xã Long Thới, Nhà Bè) còn được xã tặng thêm bộ lư hương và một tủ thờ mới (thay thế chiếc tủ cũ bị mọt). Chị rạng rỡ nói cười, phấn khởi dẫn khách thăm ngôi nhà khang trang. Giữa câu chuyện đang rôm rả, chị Thoa ứa nước mắt nhớ tới người cha là liệt sĩ và nhớ lại những tháng ngày vất vả của mình. Ba chị Thoa hy sinh khi chị còn thơ bé, mẹ tái giá, chị ở với ông bà và không được đi học. Khi lập gia đình, cả hai vợ chồng chị đều không biết chữ. “Ở TP làm gì có ruộng nên ông xã chạy xe ôm, lúc ế ẩm thì hai vợ chồng đi bắt cá ở rạch đổi lấy cơm gạo qua ngày. Ngôi nhà lá dềnh lên dềnh xuống mỗi khi mưa, triều cường, song lực bất tòng tâm khi nghĩ đến việc xây nhà”, chị Thoa chia sẻ. Giờ đây, niềm ao ước lớn nhất của chị là ngôi nhà khang trang đã thành hiện thực khi có huyện hỗ trợ, như một cách đền đáp thiết thực phần nào những hy sinh, mất mát của gia đình.  
Bà Nguyễn Thị Út, Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Nhà Bè, cho biết từ đầu năm đến nay, huyện đã và đang xây dựng, sửa chữa 34 căn nhà tình nghĩa. Trong 2 năm trước đó, 43 căn nhà tình nghĩa cũng được trao cho các gia đình.
Không còn nhà tình nghĩa hư hỏng 
Trên địa bàn huyện Củ Chi, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công trên địa bàn. Chính quyền các xã, thị trấn phổ biến đến từng hộ dân và rà soát, tổng hợp, thống kê số hộ gia đình có công cần được hỗ trợ về nhà ở. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã xây dựng và sửa chữa 943 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng.
Thành phố Hồ Chí Minh tri ân người có công- Bài 1: Những căn nhà tình nghĩa ảnh 1 Thương binh Trần Văn Dù (87 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TPHCM) an vui tuổi già bên các cháu trong căn nhà tình nghĩa khang trang
Đất thép Củ Chi anh hùng cũng là địa phương có điểm sáng xây dựng căn nhà tình nghĩa đầu tiên trong cả nước - ngay từ năm 1982. Căn nhà tình nghĩa đầu tiên này được Công ty Sửa chữa nhà (Sở Nhà đất TPHCM) xây dựng, trao tặng cặp vợ chồng thương binh Đào Văn Của và Nguyễn Thị Tuyết (ấp Phước Hòa, xã Phước Hiệp). Khởi phát từ sáng kiến này, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng chăm lo, TPHCM đã nhân rộng phong trào xây nhà tình nghĩa nhằm cải thiện chỗ ở cho người có công với cách mạng. Nhiều hoạt động được tổ chức giúp phong trào lan tỏa khắp nơi. 
Nghĩa cử tri ân cao đẹp của các tầng lớp nhân dân TP đã tiếp sức cho phong trào lớn mạnh từng ngày. Theo thời gian, số lượng nhà tình nghĩa cứ tăng dần lên. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết đến thời điểm này, TP đã xây dựng và trao tặng hơn 17.000 căn nhà tình nghĩa. Riêng từ năm 2015 đến nay, TP đã tạm ứng 121 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa hơn 2.300 căn.
Ông Tấn  khẳng định: “Với nỗ lực này, TPHCM đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng nhà tình nghĩa cho các diện chính sách có công hoàn cảnh khó khăn về nhà ở”. Đồng thời, TP cũng đang rà soát hiện trạng toàn bộ nhà tình nghĩa trên địa bàn 24 quận, huyện để có kế hoạch xây mới, sửa chữa những trường hợp nhà xây đã lâu năm hiện hư hỏng nặng. “Trong 6 tháng đầu năm 2017, TP thẩm định thêm 61 trường hợp (trong đó có 5 căn xây mới lần 2) thuộc diện này. Đảm bảo đến ngày 27-7, trên địa bàn TP không còn nhà tình nghĩa bị hư hỏng, nhằm thiết thực chăm lo đời sống người có công với cách mạng”, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM nhấn mạnh.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, việc xây dựng nhà tình nghĩa tặng người có công không chỉ lay động tấm lòng tri ân của người lớn, người già, cán bộ công nhân viên chức, trí thức, nông dân mà còn cả các cháu thiếu nhi, học sinh. Nhiều cháu thiếu nhi làm kế hoạch nhỏ thu gom giấy vụn, sách báo, nhịn phần ăn sáng để tiết kiệm đóng góp xây nhà tình nghĩa.

Tin cùng chuyên mục