Thành lập 9 Hội đồng thẩm định SGK lớp 1 để kịp áp dụng từ năm học 2020-2021

Hội đồng quốc gia thẩm định SGK bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Ít nhất 1/3 tổng số thành viên trong mỗi hội đồng là giáo viên đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục tương ứng ở cấp tiểu học.

Theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm Chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục do Bộ GD-ĐT công bố, năm học 2020-2021 sẽ áp dụng sách giáo khoa (SGK) mới đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Để chuẩn bị kịp cho việc áp dụng SGK từ năm học 2020-2021, Bộ trưởng GD-ĐT vừa ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo đó, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Ít nhất 1/3 tổng số thành viên trong mỗi hội đồng là giáo viên đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục tương ứng ở cấp tiểu học.

Thành viên hội đồng quốc gia thẩm định SGK có trình độ từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với SGK được thẩm định; từng tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, tham gia các hoạt động chuyên môn liên quan khác hoặc có ít nhất 3 năm trực tiếp dạy học ở cấp học có SGK được thẩm định.

Bộ GD-ĐT cũng cho hay, song song với yêu cầu về chuyên môn, trình độ, Bộ chú trọng chọn lựa những ứng viên có phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị tốt, có trách nhiệm, để tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

Quá trình làm việc của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK được thực hiện theo nguyên tắc khoa học, công tâm, đồng thời cũng cởi mở với cái mới và sự đa dạng của các ý tưởng để lựa chọn ra những cuốn sách/bộ sách đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo kế hoạch, các thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK sẽ được Bộ GD-ĐT chuyển bản mẫu SGK lớp 1 biên soạn theo chương trình mới mà các nhà xuất bản gửi tới để nghiên cứu độc lập. Sau đó, hội đồng sẽ làm việc tập trung để thảo luận, thống nhất việc đánh giá đối với các cuốn sách, bộ sách.  

Hiện tại, Bộ GD-ĐT đã nhận được bản thảo của 5 bộ sách mà các nhà xuất bản gửi tới để thẩm định.

Trước đó, vào đầu tháng 7, các thành viên Hội đồng thẩm định SGK đã được Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo tập huấn để thông tin những điểm mới trong chương trình tổng thể, chương trình môn học; các quy định trong Thông tư 33 về “Ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK”.

Tin cùng chuyên mục