Thanh kiểm tra dược, thực phẩm chức năng: Một cổ nhiều tròng

Theo kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2019, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM kiểm tra tổng cộng 4.800 điểm kinh  doanh. Trong đó, dược phẩm và thực phẩm chức năng (TPCN) lên tới 2.272 điểm, chiếm xấp xỉ 50% tổng số điểm. Tuy nhiên, thực tế phạm vi, nội dung kiểm tra còn chồng chéo, bất hợp lý. Trong khi thuốc, TPCN lại chịu sự quản lý, thanh kiểm tra của chuyên ngành y tế.
Công ty Dược T.Đ (phường 15, quận 10) thấp thỏm vì vừa nhận được thông báo thanh tra của Cục QLTT TPHCM
Công ty Dược T.Đ (phường 15, quận 10) thấp thỏm vì vừa nhận được thông báo thanh tra của Cục QLTT TPHCM

Dược tá nhưng đòi chứng chỉ hành nghề

Thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ cuối năm 2018, công tác kiểm tra dược phẩm, dược liệu, TPCN, vị thuốc y học cổ truyền... được triển khai cấp tập. Có những doanh nghiệp, cửa hàng dược phẩm liên tục “đón tiếp” các đoàn kiểm tra từ ngành y tế, QLTT đến công an... Chỉ riêng trong tháng 10-2018, một trung tâm dược phẩm tại quận 10, TPHCM đã tiếp tới 15 cuộc kiểm tra của Chi cục QLTT TPHCM (nay là Cục QLTT TPHCM). “Cứ bình quân 2 ngày tiếp một cuộc kiểm tra. Thử hỏi còn đâu tâm lý kinh doanh, buôn bán”, giám đốc một công ty dược băn khoăn. 

Theo các chuyên gia y tế, lĩnh vực dược phẩm, TPCN cùng lúc chịu sự quản lý của nhiều cơ quan chức năng, chẳng khác gì “một cổ, nhiều tròng”. Trong khi phạm vi, nội dung kiểm tra đều trùng lắp, chồng chéo. Đơn cử như quyết định kiểm tra Công ty CP Dược phẩm V.H (TPHCM) ngày 20-3-2019 của Cục QLTT TPHCM gồm các nội dung: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; chứng chỉ hành nghề, bằng cấp chuyên môn; hồ sơ ghi chép tất cả các hoạt động liên quan đến phân phối thuốc; khu vực bảo quản hàng hóa theo quy định; thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa và niêm yết giá hàng hóa theo quy định; hàng hóa, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa tại địa điểm kinh doanh. Đó cũng là những nội dung thanh tra của Sở Y tế TPHCM, công an kinh tế. 

Theo dược sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược - Mỹ phẩm (Sở Y tế TPHCM), phạm vi, nội dung kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với dược, TPCN theo Luật Thanh tra là không sai, nhưng có nhiều nội dung trùng lắp giữa các sở ngành. Hơn nữa, với ngành dược, TPCN có đặc thù, tính chuyên môn, kỹ thuật cao nên chưa hẳn cơ quan QLTT hay các cơ quan khác, ngoài ngành y, hiểu thấu đáo. “Có cơ quan khi kiểm tra một doanh nghiệp dược cứ nằng nặc đòi cô dược tá làm trong kho thuốc phải cung cấp chứng chỉ hành nghề chuyên môn, nhưng luật có bắt buộc đâu. Vậy là làm khó nhau”, dược sĩ Dũng cho biết. 

Cần sự phối hợp chuyên ngành

Theo ghi nhận, hầu hết các đoàn kiểm tra đối với thuốc, TPCN, vị thuốc y học cổ truyền của Cục QLTT TPHCM đều là độc lập. Vì vậy, theo lãnh đạo Bộ Y tế, công tác kiểm tra chưa hẳn đã toàn diện. “Nếu có sự phối hợp với ngành y tế tham vấn chuyên môn thì hiệu quả hơn, tránh trường hợp khiếu nại đáng tiếc”, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, nhìn nhận. Còn dược sĩ Đỗ Văn Dũng cho rằng, nếu các cơ quan chức năng ngoài ngành y tế, khi tiến hành kiểm tra độc lập, nên tập trung vào các nội dung kiểm tra như các hàng hóa khác, vì thuốc, TPCN, vị thuốc y học cổ truyền có đặc thù, điều kiện riêng, đòi hỏi chuyên môn sâu. 

Ông Nguyễn Văn Bách - Quyền Cục trưởng Cục QLTT TPHCM, cho biết, thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg, thời gian qua QLTT TPHCM tập trung trọng điểm kiểm tra dược phẩm, TPCN với tần suất cao hơn bình thường. Kết quả kiểm tra đều phát hiện có lỗi vi phạm, như không có hóa đơn chứng từ, hóa đơn không hợp pháp, hàng hóa không có nhãn phụ tiếng Việt, chưa có giấy phép lưu hành… Về kế hoạch kiểm tra năm 2019 với số điểm kinh doanh dược, TPCN bị kiểm tra chiếm phần lớn, ông Nguyễn Văn Bách cho rằng, do xuất phát từ thực tế thuốc, TPCN kém chất lượng, hàng lậu vẫn gây bức xúc xã hội. Tuy nhiên, ông Bách thừa nhận, với tần suất kiểm tra cao và đặc thù nhiệm vụ, không thể tránh khỏi sự “giẫm chân” với các đoàn thanh kiểm tra khác. Điều này là trái với Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc không được thanh kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm (ngoại trừ đột xuất có dấu hiệu vi phạm pháp luật).

Lý giải về việc kiểm tra độc lập, liệu QLTT có đủ chuyên môn thẩm định dược phẩm, TPCN, ông Nguyễn Văn Bách khẳng định, trong những vụ việc cần thiết đều mời các chuyên gia của ngành y tế tham gia hoặc khi xử lý thường có công văn trao đổi chuyên môn với ngành y tế. Tuy nhiên, theo thanh tra Bộ Y tế, sự phối hợp giữa QLTT và thanh tra y tế chưa thực chất. “Việc kiểm tra, giám sát, hậu kiểm chấp hành pháp luật đối với sản xuất, kinh doanh dược phẩm, TPCN là cần thiết. Tuy nhiên, để công tác thanh kiểm tra đạt hiệu quả cao, ngành y tế đề nghị các bộ ngành, lực lượng chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ cả trong xây dựng kế hoạch và thực thi kiểm tra để vừa đạt hiệu quả, vừa tránh gây phiền nhiễu đơn vị kinh doanh”, một lãnh đạo Bộ Y tế kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục