“Thanh gươm” và “lá chắn” trong phòng, chống tham nhũng

Kể từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác kiểm tra giám sát của Đảng đã thay đổi vượt bậc về chất. Trước tiên phải kể đến Quy định 30-QĐ/TW (ngày 26-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng), đã đem lại nhận thức mới, khoa học, khách quan và đúng tầm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát. Cụ thể, Quy định 30 đặt ra yêu cầu giám sát cấp ủy viên và cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý việc thực hiện các nguyên tắc của Đảng, quy chế làm việc, chế độ công tác và việc kê khai tài sản, thu nhập.

Trong thời gian qua, công tác kiểm tra giám sát cũng có những thay đổi hết sức căn cơ, hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan này quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với nhiều cán bộ cao cấp và tổ chức đảng vi phạm. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 56 cán bộ cấp cao của Đảng như Ủy viên Trung ương đương nhiệm, về hưu cùng nhiều cán bộ cấp bộ trưởng, thứ trưởng, cấp tướng trong lực lượng vũ trang, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị cũng bị xử lý kỷ luật.

Các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau mỗi kỳ họp được công khai, minh bạch. Điều này minh chứng cho việc xử lý không có vùng cấm, không nể nang, không né tránh và không có khái niệm “hạ cánh an toàn”. Chính từ kết quả xử lý nhanh, hiệu quả và dứt khoát như thế, nhân dân cả nước rất mong chờ các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện công khai, khách quan; hình thức xử lý nghiêm khắc cũng làm cá nhân, tổ chức vi phạm tâm phục, khẩu phục. Kết quả xử lý được thông báo công khai đã làm nức lòng người dân, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Trong một số trường hợp, cấp ủy và cấp dưới không xử lý vi phạm thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, xem xét xử lý. Như vụ nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng cấp ủy Đà Nẵng không xử lý thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, chỉ rõ các vi phạm và ra quyết định, đề nghị xử lý nghiêm khắc.

Quy định 01-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã giao thêm nhiều thẩm quyền cho Ủy ban Kiểm tra các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng. Những thẩm quyền mới giúp việc kiểm tra, xem xét, xử lý những đảng viên bị phát hiện có hành vi tham nhũng một cách nghiêm minh, chính xác và kịp thời. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra các cấp được thực hiện một số biện pháp hành chính (trước đây không được phép), như đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng. Uy tín và uy lực của ngành kiểm tra Đảng, đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tăng lên đáng kể. Đây cũng chính là “thanh gươm” và “lá chắn” trong công cuộc phòng chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Hiện nay, cơ quan kiểm tra của Đảng và các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an, kiểm sát và tòa án kết hợp chặt chẽ làm tăng thêm hiệu quả, hiệu lực của ngành kiểm tra Đảng. Sự kết hợp này đã “đan dày thêm tấm lưới” đối với những cán bộ, đảng viên suy thoái, tham nhũng. Đảng viên, tổ chức vi phạm kỷ luật Đảng thì bị xử lý kỷ luật; vi phạm pháp luật Nhà nước thì bị khởi tố. Những cán bộ, đảng viên tham nhũng không những bị tù giam mà còn bị thu hồi tài sản tham nhũng. Do đó, cùng với những quy định bổ sung về việc xử lý, kỷ luật đảng viên vi phạm (theo Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị) thì ngành kiểm tra Đảng thật sự là “kính chiếu yêu”, làm cho những kẻ xấu bị đe dọa thường trực, kể cả những trường hợp đã về hưu.

Đại hội XII chỉ ra nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát trong nhiệm kỳ là kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng và thi hành kỷ luật của Đảng. Từ đó, công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng có những thay đổi đột phá, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước. Nhờ quyết tâm chính trị này mà có nhiều vấn đề gây bức xúc trong phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận, đã chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, hiện một số bộ - ban - ngành, địa phương vẫn chưa có sự vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cho nên cần tăng cường giám sát của tổ chức đảng từ trên xuống, giám sát từ dưới lên, phát huy vai trò giám sát lẫn nhau nhằm đảm bảo công tác này được “nóng đều”.

Người dân đang rất kỳ vọng vào ngành kiểm tra Đảng như lời Bác Hồ nói: “Kiểm soát khéo, bao nhiêu tốt xấu, đúng sai, hay dở đều lòi ra hết”. Đặc biệt, những người làm công tác kiểm tra Đảng luôn phải trung thực, trong sạch, uy tín để tiếp tục phát huy hiệu quả, vai trò của ngành kiểm tra Đảng, tạo những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tin cùng chuyên mục