Thành Điện Hải được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt

Sáng 29-3, nhân dịp kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải và khởi công Dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích này.

 

Lãnh đạo TP Đà Nẵng đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải từ Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Lãnh đạo TP Đà Nẵng đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải từ Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Đây là một trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 160 năm ngày nhân dân Đà Nẵng đại diện cho nhân dân cả nước và cùng nhân dân cả nước mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược (1-9-1858 – 1-9-2018). 
Một góc Thành Điện Hải 
Thành Điện Hải - thành lũy chặn quân xâm lược 

Nhận thấy vị trí chiến lược quan trọng của Đà Nẵng, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng ở đây nhiều công trình phòng thủ đất nước, trong đó có Thành Điện Hải.

Thành này trước gọi là Đồn Điện Hải, được xây dựng gần mép nước tả ngạn sông Hàn vào năm 1812, dưới thời Vua Gia Long. Đến năm 1823, đời vua Minh Mạng, Đồn được chuyển đến xây kiên cố ở vị trí hiện nay và đến năm 1835, được đổi tên là Thành Điện Hải.

Thành Điện Hải được xây bằng gạch, phỏng theo thiết kế kiểu Vauban của phương Tây, chu vi 556m, tường cao 5m, hào sâu 3m. Bên trong thành có hành cung, kỳ đài, kho đạn, kho thuốc súng, kho lương thực, vọng gác, và được bố trí 30 khẩu đại bác cỡ lớn.
Cuộc chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha của Đà Nẵng năm 1858
Liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược Đà Nẵng năm 1858 và nghĩa địa của quân xâm lược ở Đà Nẵng 
Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đem 14 chiếc thuyền đánh Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Thành Điện Hải ngay từ buổi đầu đã cùng với các thành lũy khác dọc 2 bờ sông Hàn góp phần đánh lùi những cuộc tiến công của quân địch.

Quân đội triều đình và nhân dân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh, đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương, đã chiến đấu kiên trường, mưu trí, ngăn quân giặc không cho tiến sâu vào đất liền.

Cuộc chiến đấu của quân đội triều đình và nhân dân Đà Nẵng đã làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của quân địch, buộc chúng phải rút quân khỏi Đà Nẵng ngày 23-3-1860 sau một năm rưỡi bị sa lầy và chịu nhiều tổn thất.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng 
"Việc đánh bại liên quân Pháp – Tây Ban Nha trong buổi đầu xâm lược nước ta giữa thế kỷ 19 là một trong những chiến công vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, là niềm tự hào to lớn của người dân Đà Nẵng. Thành Điện Hải với vai trò là tâm điểm của cuộc kháng chiến trở thành biểu tượng về lòng yêu nước và đức hy sinh của quan, quân triều đình và người dân mảnh đất kiên trung này", Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu  
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: "Dù phải đối mặt với một đội quân xâm lược nhà nghề, có tàu đồng súng thép, đến từ hai cường quốc phương Tây hơn chúng ta một phương thức sản xuất, nhưng quân lính triều đình cùng dân quân Đà Nẵng, dưới sự chỉ huy của các tướng Đào Trí, Lê Đình Lý, đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương, dựa vào Thành Điện Hải và các đồn lũy giăng khắp nơi, đã xả thân chiến đấu kiên cường, dũng cảm. Sau một năm rưỡi bị sa lầy và chịu nhiều thiệt hại, kẻ thù đành chấp nhận thất bại, buộc phải rút lui khỏi Đà Nẵng vào ngày 23-3-1860, để lại dưới chân núi Sơn Trà một tháp hài cốt, người dân gọi là nghĩa địa Y-Pha-Nho, chôn cất nhiều sĩ quan và binh lính tử trận, tử nạn. Và từ đây, liên quân xâm lược không bao giờ trở lại Đà Nẵng bằng giải pháp quân sự.". 

Thành Điện Hải trở thành trung tâm quảng trường 

Trải qua gần 200 năm lịch sử, chịu sự tác động của thiên nhiên, sự tàn phá của chiến tranh và thời gian, Thành Điện Hải đã và đang bị xuống cấp trầm trọng.

Năm 1988, Thành được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia, tuy nhiên, Thành đã không được bảo vệ, tu bổ mà còn bị xâm hại nặng nề hơn, cả vùng đệm và vùng lõi – yếu tố gốc của di tích.

Thành và hào của Thành Điện Hải còn lại ngày hôm nay 

Dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn 1, khởi công ngày 29-3-2018, dự kiến hoàn thành tháng 10-2018 với kinh phí 102,7 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ thực hiện trong năm 2019 – 2020, gồm các hạng mục bên trong Thành (sau khi chuyển dời Bảo tàng Đà Nẵng).

Từ năm 2016 đến nay, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cụ thể để từng bước bảo vệ, tu bổ, phục hồi di tích, như giải tỏa khu nhà làm việc Trung tâm Thể thao Người lớn tuổi, CLB Thái Phiên; dừng hẳn dự án xây dựng Trung tâm lưu trữ thành phố ở phía Bắc, vận động 80 hộ dân chuyển dời nhà cửa ra khỏi tường thành ở phía Tây, quyết định chuyển Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay ra khỏi di tích, đưa sang số 42 Bạch Đằng. Và lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng đang chỉ đạo khảo sát quy hoạch xây dựng ở khu vực này một quảng trường, trong đó Thành Điện Hải được xác định là Trung tâm.

Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải thể hiện sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước về truyền thống yêu nước, đi đầu chống giặc ngoại xâm của nhân dân Đà Nẵng, đồng thời ghi nhận nỗ lực gần đây của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong việc quyết tâm bảo tồn di tích đặc biệt quan trọng này.

Đà Nẵng giải toả các hộ dân sống ven Thành Điện Hải để xây dựng quảng trường 
Thành Điện Hải được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ảnh 7 Mặt bằng tổng thể và ý tưởng phối cảnh sơ bộ tổng thể Di tích Thành Điện Hải 
Thành Điện Hải được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ảnh 8 Cổng phía Nam thành Điện Hải 
Thành Điện Hải được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ảnh 9 Người dân xem ảnh về cuộc xâm lược  Đà Nẵng của liên quân Pháp - Tây Ban Nha được trưng bày tại Thành Điện Hải 
Thành Điện Hải được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ảnh 10 Đà Nẵng giải toả phía Tây thành Điện Hải để phục hồi nguyên trạng di tích này 
Thành Điện Hải được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ảnh 11 Tường thành và hào của di tích Thành Điện Hải 
Thành Điện Hải được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ảnh 12 Một góc Thành Điện Hải nhìn từ trên cao
"Hôm nay, thành phố khởi công Dự án Tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích Thành Điện Hải và tháng 4-2018 sẽ khởi công Dự án Nâng cấp khu di tích Nghĩa trủng Khuê Trung (trước gọi là Nghĩa trủng Hòa Vang) là thể hiện trách nhiệm, tình cảm và đạo lý của chúng ta. Hy vọng rằng, sau khi được trùng tu, Thành Điện Hải sẽ trở thành một địa chỉ đỏ trên bản đồ di tích văn hóa lịch sử thành phố, một điểm đến hấp dẫn để tham quan, nghiên cứu, học tập, giáo dục truyền thống cho nhân dân và du khách bốn phương." - ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định. 
Thành Điện Hải được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ảnh 13 Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá, Thành Điện Hải có giá trị lịch sử đặc biệt, là biểu tượng của ý chí quật cường, biểu tượng yêu nước của con người Việt Nam. Thành gắn với những chiến công, những tên tuổi lớn và hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm để giữ vững chủ quyền, làm rạng danh non sông Việt Nam. 

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cũng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng triển khai lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung quy hoạch cần làm rõ những bảo tồn như quy hoach tổng mặt bằng, tiến hành tôn tạo phục hồi các yếu tố gốc trong khu vực nội thành như: kè, hào và các di sản văn hóa phi vật thể. Xây dựng không gian trưng bày hiện vật gắn liền với không gian tưởng niệm anh hùng, nghĩa sĩ đã hy sinh. Xây dựng phương án khai thác du lịch văn hóa kết nối điểm di tích đặc biệt này với các di tích, danh lam thắng cảnh khác của TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận để di tích trở thành điểm đến du lịch thực sự hấp dẫn, thu hút khách tham quan. Đổi mới công tác giới thiệu về di tích bằng những hình thức phù hợp, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong cộng đồng. Kiện toàn bộ máy quản lý di tích phù hợp với quy định pháp luật về phân cấp quản lý di tích đáp ứng nhu cầu bảo về và phát huy giá trị di tích của địa phương trong điều kiện hiện nay.

Tin cùng chuyên mục