Thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới phụ thuộc vào đội ngũ nhà giáo

Chiều 9-1, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới theo hình thức trực tuyến đến tất cả các tỉnh thành trong cả nước.
Hội nghị triển khai chương trinh giáo dục phổ thông mới vào chiều 9-1
Hội nghị triển khai chương trinh giáo dục phổ thông mới vào chiều 9-1

THCS thiếu 10.143 giáo viên

Nói về một số nội dung chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới, GS Nguyên Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trinh GDPT mới cho biết, chương trình GDPT hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. 

Những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. 

Những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất. 

Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực chung và năng lực đặc thù, chương trình giáo dục phổ thông còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng những năng lực đặc biệt (năng khiếu) của học sinh.

Cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày; cấp THCS và THPT thực hiện dạy học 1 buổi/ngày. Cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Khuyến khích các trường THCS, THPT đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Chương trình có sự phân hóa, cá thể hóa rất rõ, bởi năng lực là yếu tố có sẵn trong người kết hợp với thời gian tập luyện. Trong quá trình dạy học giáo viên không còn là người truyền thụ đơn thuần mà còn phải tổ chức hoạt động để học sinh lĩnh hội, vận dụng kiến thức đó vào thực tế. Đặc biệt chương trình cũng đặt ra vấn đề giảm tải, tạo điều kiện cho học sinh vừa đỡ vất vả vừa hiệu quả như giảm số môn học, tiết học, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tránh áp đặt, một chiều…

Về chuẩn bị đội ngũ để thực hiện Chương trình GDPT mới, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT cho hay, tính đến tháng 10-2018, toàn quốc có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông. So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 75.989 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS: 10.143 người; THPT: 3.161 người. Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố. Đến thời điểm hiện tại, toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS một số môn nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS môn khác.

Theo ông Hoàng Đức Minh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT thống nhất chỉ đạo UBND các tỉnh, thành tiến hành rà soát vấn đề biên chế, hợp đồng lao động đối với giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để giải quyết những khó khăn, bất cập của các địa phương nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng có trường, lớp, học sinh mà không có giáo viên giảng dạy.

Thiết bị dạy học tối thiểu ở nhiều nơi thiếu thốn

Đối với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình GDPT mới, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT Phạm Hùng Anh cho biết, hiện cả nước có 567.012 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 424.757 phòng, tỷ lệ kiên cố khoảng 75%. Trong đó, mầm non là 64,9%; tiểu học 72,2%; THCS 83,4%; THPT 93,9%. 

Riêng vùng miền núi phía Bắc, vùng Tây nguyên, Tây Nam bộ, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa còn thấp hơn nữa. Cá biệt, vùng Tây nguyên, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa bậc mầm non chỉ đạt dưới 45%.

Điều đáng lo ngại là ngay với chương trình hiện hành, thiết bị dạy học tối thiểu ở nhiều nơi đã thiếu thốn, không đáp ứng yêu cầu. 3 khu vực khó khăn là vùng miền núi phía Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ, thiết bị dạy học tối thiểu đều chưa đáp ứng được 50% nhu cầu. Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu từng bước "lấp đầy" sự thiếu hụt khi triển khai chương trình mới. Về phòng học, cấp tiểu học bảo đảm 1 lớp/phòng để học 2 buổi/ngày và cấp THCS, THPT bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn.

Về thiết bị dạy học, Bộ GD-ĐT sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục thiết bị dạy học theo lộ trình thực hiện chương trình mới trên nguyên tắc kế thừa những thiết bị đã có, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và các phần mềm thay thế thiết bị chứng minh, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay. 

Dự kiến quý I-2019, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành danh mục thiết bị tối thiểu lớp 1 để chuẩn bị cho triển khai chương trình đối với lớp 1 năm học 2020 – 2021; ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho các lớp còn lại theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong quý I-2020. 

Bộ yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xác định nhu cầu đầu tư giai đoạn 2017 – 2020.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, chương trình GDPT đã có, sau hội nghị hôm nay bắt đầu triển khai. Trong đó, công tác tâp huấn, bồi dưỡng giáo viên sẽ được đẩy mạnh thông qua hình thức tập huấn trực tuyến, để bảo đảm giáo viên được tập huấn kịp thời, đầy đủ. 

“Chương trình dù hay nhưng nếu người triển khai chương trình không được đào tạo, tập huấn bài bản thì cũng không thể phát huy hiệu quả. Vì thế thành bại của chương trình phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo, những người sẽ thực hiện chương trình”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Theo đó, có hai hiệm vụ sẽ được ngành giáo dục chú trọng trong thời gian tới là hướng dẫn, đào tạo bồi dưỡng để giải quyết yêu cầu của đội ngũ nhà giáo; chuẩn bị về cơ sở vật chất để thực hiện chương trình.

Tin cùng chuyên mục