Tháng 9-2017, truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm

Cùng với công tác chuẩn bị thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm vào đầu tháng 9 tới, Sở Công thương đang triển khai quyết liệt đề án “Truy xuất nguồn gốc thịt heo” tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền. 
Khách hành sử dụng điện thoại thông minh quét mã vạch để biết được nguồn gốc xuất xứ thịt heo
Khách hành sử dụng điện thoại thông minh quét mã vạch để biết được nguồn gốc xuất xứ thịt heo
Những ngày qua, Sở Công thương TPHCM cùng các sở, ngành chức năng của thành phố đang triển khai nhiều chương trình tập huấn, phổ biến của đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm” đến các doanh nghiệp, hệ thống phân phối trên địa bàn TPHCM. Tính đến ngày 20-8, đã có 11 trại ấp con giống, 27 trại giống, 343 trại gà thịt, 13 cơ sở giết mổ, 53 trại trứng và 6 cơ sở chế biến trứng đã đăng ký tham gia đề án truy xuất nguồn gốc. Trong số đơn vị đăng ký tham gia, có 50% là doanh nghiệp FDI với quy mô chăn nuôi từ 10.000 - 100.000 con gia cầm. 
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại Sở Công thương, công tác tổ chức truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm trên thị trường  thành phố hiện đang dần hoàn tất. Nếu ở con heo, việc truy xuất nguồn gốc thực hiện từ khâu xuất chuồng, thì thịt gia cầm sẽ được truy xuất ngay từ con giống, tức trứng ấp từ đâu, nuôi tại trang trại nào, cơ sở nào giết mổ? Cũng theo ông Phương, việc truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm triển khai thuận lợi hơn so với thịt heo do khâu chăn nuôi gia cầm được thực hiện tập trung tại các trang trại lớn theo tiêu chuẩn VietGAP. Mặt khác, việc truy xuất sẽ được thực hiện theo từng lô gia cầm nuôi tại các trang trại, không truy xuất trên từng con như heo nên có thể sẽ dễ dàng hơn và thuận lợi hơn. 
Tháng 9-2017, truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm ảnh 1 Trong khâu giết mổ, con heo vẫn được đeo vòng để  đảm bảo việc truy xuất
Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, đến nay công ty này đã hoàn tất các công đoạn nhận diện và truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm của Ba Huân. Theo đó, công tác triển khai không gặp khó khăn do sản phẩm thịt và trứng gia cầm của Ba Huân đã được sản xuất theo quy trình sạch, quản lý bằng công nghệ hiện đại từ nhiều năm qua. Bà Phạm Thị Huân hy vọng với việc truy xuất sẽ giúp sản phẩm gia cầm có giá trị hơn so với các sản phẩm chăn nuôi đại trà trên thị trường. Đây cũng là cách để doanh nghiệp cơ cấu lại tổng đàn, hướng tới phát triển bền vững. Các hệ thống phân phối cũng cho biết đang trong giai đoạn tập huấn nước rút để tham gia tốt nhất vào đề án. 
Tháng 9-2017, truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm ảnh 2 Việc truy xuất được kỳ vọng sẽ giúp sản phẩm gia cầm có giá trị hơn so với các sản phẩm chăn nuôi đại trà trên thị trường
Cùng với công tác chuẩn bị thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm vào đầu tháng 9 tới, Sở Công thương đang triển khai quyết liệt đề án “Truy xuất nguồn gốc thịt heo” tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền. Theo thống kê của Sở Công thương, số lượng heo nhập vào thị trường TPHCM hiện nay đạt 9.796 con; trong đó, số heo được kích hoạt thông tin truy xuất nguồn gốc tại các trang trại là 7.348 con, tăng 219% so với ngày đầu tiên thực hiện đề án là 31-7. Riêng lượng heo được kích hoạt tại 2 chợ đầu mối là 3.393 con, tăng 414% so với ngày đầu thực hiện đề án. Chỉ riêng nguồn heo của tỉnh Đồng Nai cung cấp cho thị trường TPHCM khoảng 29.790 con, thì tổng số heo đeo vòng truy xuất nguồn gốc đạt khoảng 28.980 con, chiếm 97%. 

Tin cùng chuyên mục