Tháng 10-2018: Báo cáo tiền khả thi dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với kiến nghị của tỉnh Tây Ninh về việc sớm triển khai dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Việc này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho khu vực phía Bắc của TPHCM và tỉnh Tây Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Dự án này sẽ được triển khai như thế nào? phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông về vấn đề này.

Nhà nước góp 40% vốn

° Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết, Bộ GTVT đánh giá như thế nào về sự cần thiết đầu tư của dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài?

° Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Cao tốc TPHCM - Mộc Bài là 1 trong 7 dự án đường cao tốc ở phía Nam, nằm trong tổng số 21 tuyến cao tốc trong “Quy hoạch tổng thể mạng lưới cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ GTVT và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu về hạ tầng giao thông khu vực miền Đông Nam bộ.

Kết quả cho thấy, quốc lộ 22 (đường Xuyên Á - tuyến đường duy nhất nối TPHCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài) đã có một số điểm bão hòa về năng lực, đặc biệt là đoạn thuộc địa phận TPHCM.

Tháng 10-2018: Báo cáo tiền khả thi dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài ảnh 1 Điểm cuối dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài tại quốc lộ 22 (khu vực cửa khẩu Mộc Bài)                   Ảnh: CAO THĂNG
Trước đây, TPHCM đã kiến nghị mở rộng quốc lộ 22 để tăng năng lực cho tuyến đường; tuy nhiên, sau khi xem xét nhiều chiều, Bộ GTVT thấy không nên cải tạo tuyến đã có mà nên mở tuyến đường cao tốc mới song hành để mang lại hiệu quả kinh tế hơn.

Các phương tiện giao thông có thể đi với tốc độ nhanh và an toàn hơn, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng thấp hơn. Tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ với các địa phương Tây Ninh, TPHCM mà còn kết nối với các khu kinh tế cửa khẩu, đô thị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực ASEAN (Bangkok - Phnom Penh - TPHCM)...

° Sau khi tiếp nhận góp ý của các bộ ngành liên quan, đến thời điểm này, quy mô, tổng mức đầu tư, hướng tuyến của dự án được xác định như thế nào?

 ° Trong báo cáo tiền khả thi đã được các bộ ngành liên quan góp ý, cao tốc TPHCM - Mộc Bài có chiều dài toàn tuyến khoảng 59km, chạy song song với quốc lộ 22.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (4 làn xe) khoảng 10.727 tỷ đồng, giai đoạn 2 (nâng lên 6-8 làn xe) là hơn 5.000 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu tại giao cắt giữa đường Vành đai 3 với tỉnh lộ 15 của TPHCM, điểm cuối tại quốc lộ 22 thuộc khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Hướng tuyến của dự án phù hợp với quy hoạch chung của huyện Củ Chi TPHCM và tỉnh Tây Ninh.

Hướng tuyến này cơ bản đã được địa phương đồng thuận. Riêng tỉnh Tây Ninh đề xuất thay đổi hướng tuyến từ đoạn huyện Gò Dầu đến huyện Bến Cầu và bổ sung đoạn kết nối từ cảng Mộc Bài đến cao tốc. Tuy nhiên, ở giai đoạn tiền khả thi, hướng tuyến mới thông qua trên bản đồ, sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư mới làm trên hiện trường.

Về quy mô sử dụng đất, cao tốc TPHCM - Mộc Bài dự kiến chiếm dụng khoảng 132ha đất; trong đó, đất nông nghiệp 92ha (riêng đất trồng lúa 72ha). Vì thế, việc thu hồi đất tại TPHCM và Tây Ninh phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định khung giá bồi thường đất dự án.

° Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông hạn hẹp như hiện nay, phương thức huy động vốn cho dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

° Huy động vốn là vấn đề khó khăn nhất đối với các dự án giao thông hiện nay, trong đó có dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Để dự án khả thi, không thể không có sự tham gia của Nhà nước,  Bộ GTVT đã đưa ra nhiều kịch bản khác nhau, ví dụ Nhà nước phải bảo lãnh doanh thu, Nhà nước chỉ góp tiền, Nhà nước vay ODA về cho vay lại, xây dựng chuyển giao xong, Nhà nước cho thuê khai thác...

Chúng tôi đang tập trung vào phương án phù hợp với pháp luật hiện hành, tốt nhất là Nhà nước tham gia hỗ trợ vốn như đối với dự án cao tốc Bắc - Nam. Nhà nước phải chịu trách nhiệm GPMB, phù hợp với điều khoản pháp luật đang có và theo cơ chế Quốc hội đã thông qua. Với dự án này, Nhà nước chắc chắn phải tham gia tối thiểu từ 40% trở lên.

Kiến nghị đưa vào kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025

 ° Báo cáo tiền khả thi của dự án có được trình lên Chính phủ trong tháng 9-2018 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay không và khi nào dự án có thể được khởi công?

° Hiện các nghiên cứu, bổ sung ý kiến về dự án đã xong; tuy nhiên, Bộ GTVT đã không kịp trình báo cáo tiền khả thi trong tháng 9 mà phải lùi sang tháng 10-2018. Về lộ trình thực hiện, hiện vốn cho dự án này đang được kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đưa vào vốn giai đoạn 2021-2025.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo tiền khả thi, Bộ GTVT sẽ tích cực triển khai công tác chuẩn bị để dự án được khởi công trong thời gian sớm nhất. Thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án (phần của tư nhân) dự kiến khoảng 20 năm. 

° Có ý kiến cho rằng, hạ tầng giao thông cho khu vực Nam bộ chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng, Thứ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?

° Trong thời gian gần đây, hạ tầng giao thông khu vực Đông Nam bộ đã được đầu tư mạnh. Một số dự án cao tốc đã thu xếp được nguồn vốn và đang triển khai như cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây; cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; đường Vành đai 3 TPHCM, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch…

Một số dự án khác như Biên Hòa - Vũng Tàu, TPHCM - Mộc Bài đang được nỗ lực thu xếp nguồn vốn. Chắc chắn trong thời gian tới, mạng lưới giao thông khu vực Đông Nam bộ nói riêng, khu vực Nam bộ nói chung sẽ được cải thiện rõ rệt.

Tin cùng chuyên mục