Tham vọng bị đe dọa

Nhận định về cuộc chiến thuế quan ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, hãng tin CNBC cho rằng, Washington đang đe dọa tới tham vọng muốn trở thành nước chi phối công nghệ toàn cầu của Bắc Kinh.

Thuế quan, thương mại hay hàng hóa nhiều khả năng chưa phải là trọng tâm trong đàm phán giữa hai bên. Vấn đề cốt yếu hiện nay là tranh chấp giữa hai nước diễn ra trong mảng công nghệ mới, bao gồm lĩnh vực 5G, trí tuệ nhân tạo (A.I) và robot.

Mỹ đang cảnh giác về vị thế lớn dần của Trung Quốc trong kinh tế toàn cầu cũng như chiến lược thâu tóm các công ty công nghệ cao tại Mỹ và châu Âu, trợ cấp cho một số ngành quan trọng cũng như phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài.

Trong quý 1 năm nay, Bắc Kinh có thể duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức ổn định nhờ chính phủ gia tăng chi tiêu và cho vay ngân hàng. Tuy nhiên, các hãng xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc đã hứng chịu một đợt giảm doanh thu lên tới 40%, buộc phải sử dụng khoản lớn lợi nhuận để chi trả cho hoạt động nghiên cứu công nghệ. Các công ty công nghệ này còn phải hứng chịu hàng loạt trở ngại ngày càng gia tăng tại Mỹ và châu Âu trong việc mua công nghệ thông qua hoạt động đầu tư theo hình thức liên doanh với các công ty nước ngoài...

Giới quan sát cho rằng, việc chấm dứt yêu cầu chuyển giao công nghệ bắt buộc của Trung Quốc là vấn đề không kém phần quan trọng trong các yêu cầu của Chính phủ Mỹ trong lúc đàm phán. Mỹ cho rằng giới doanh nghiệp nước này đã bị buộc phải đánh đổi công nghệ để lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc. Mỹ còn là một khách hàng quan trọng và là nguồn công nghệ cho các hãng sản xuất điện tử, thiết bị y tế cũng như các mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao khác của Trung Quốc.

Trong khi đó, các ngành công nghiệp này được Chính phủ Trung Quốc coi là trọng tâm của tương lai kinh tế đất nước. Chỉ tính riêng ngành công nghiệp bán dẫn, theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu IC Insights, Trung Quốc mua nhiều chip máy tính hơn bất cứ nước nào, tiêu thụ khoảng 140 tỷ USD, tương đương 38% chất bán dẫn của thế giới. Dù gắng sức, Trung Quốc vẫn sản xuất chỉ 18,5 tỷ USD, tương đương 13% tổng số chip toàn cầu.

Bắc Kinh đang cố gắng thu hẹp khoảng cách đó nhưng việc phát triển mảng chip là tốn kém, nhạy cảm về mặt chính trị và mất nhiều thời gian. Hành động này của Trung Quốc được Mỹ nhìn nhận là mối đe dọa với giới lãnh đạo công nghiệp nước này.

Theo ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của IHS Markit - công ty cung cấp thông tin toàn cầu có trụ sở tại London (Anh), với cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết, Trung Quốc có thể phải đi con đường chông gai hơn và mất nhiều thời gian hơn nếu muốn phát triển hơn nữa công nghệ của chính mình. Lý do nằm ở chỗ khả năng tiếp cận với các đối tác cũng như bí quyết của các nước trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đang dần bị hạn chế dưới sức ép của Chính phủ Mỹ và các nước đồng minh.

Còn có ý kiến cho rằng, nhìn bên ngoài, tác động của việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trước mắt không có nhiều hậu quả lớn. Tuy nhiên, về lâu dài đó sẽ là mối đe dọa lớn hơn rất nhiều đối với triển vọng tăng trưởng không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong lĩnh vực phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục