Thẩm quyền thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ

Qua vụ nổ kho phế liệu chứa 7 tấn đầu đạn cũ còn thuốc nổ ở làng Quan Độ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), dư luận đặt câu hỏi: Việc người dân mua bán, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ có hợp pháp hay không và hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?
Pháp luật Việt Nam đã quy định rõ về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Điều 5 Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011, sửa đổi năm 2013, nghiêm cấm việc trao đổi, mua bán, tàng trữ trái phép phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ và quy định rõ việc thu gom, bảo quản, thanh lý và tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ phải tuân theo quy định của pháp luật.
Cụ thể hơn, tại Điều 6 Nghị định 26/2012/NĐ-CP (quy định về việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ) nêu rõ: Tất cả vũ khí, vật liệu nổ khi được tổ chức, cá nhân phát hiện đều phải giao cho cơ quan quân sự hoặc cơ quan công an xử lý.
Thẩm quyền thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ ảnh 1 Hiện trường vụ nổ ở làng Quan Độ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh)
Điều 8 nghị định này cũng quy định chỉ cơ quan quân sự, công an cấp huyện, cấp trung đoàn trở lên mới được phép thực hiện tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ sau khi có quyết định thanh lý của cơ quan cấp trên trực tiếp, và để tiến hành tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ phải thành lập Hội đồng tiêu hủy với trình tự, thủ tục đã được quy định (phải có phương án tiêu hủy chặt chẽ bao gồm thời gian, địa điểm, bảo đảm an toàn, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường…).
Với các quy định trên, việc thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ thuộc về cơ quan chức năng có thẩm quyền đã được pháp luật quy định. Việc người dân tự mua bán, tàng trữ, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ là trái quy định pháp luật.
Trong trường hợp đó, tùy theo tính chất, mức độ mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đến 10 triệu đồng (khoản 4 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP), hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh: chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng (Điều 304 BLHS 2015); chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 305 BLHS 2015) với khung hình phạt tối đa từ 15 đến 20 năm tù hoặc chung thân.
Ngoài ra, nếu gây thiệt hại thì người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định pháp luật.
Sắp tới đây, từ ngày 1-7-2018, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ có hiệu lực, với những nội dung chi tiết hơn về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Do vậy, các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền địa phương phải sát sao hơn trong việc quản lý, yêu cầu người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ đúng quy định.

Tin cùng chuyên mục