Tham nhũng có thể xảy ra ở bất kỳ đơn vị nào

“Một số luật sư, người khiếu kiện chuyên nghiệp đã tác động người dân để nhận ủy quyền từ người dân rồi khiếu kiện. Họ giữ toàn bộ giấy tờ, CMND, hộ khẩu của người dân để người dân bị lệ thuộc hoàn toàn...", theo Chủ tịch UBND quận 9.
Đồng chí Trần Thế Lưu (đứng), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM phát biểu tại hội nghị giao ban.
Đồng chí Trần Thế Lưu (đứng), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM phát biểu tại hội nghị giao ban.

Sáng 3-8, đồng chí Trần Thế Lưu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM, đã chủ trì buổi giao ban công tác nội chính và phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn TPHCM.

Chia sẻ tại hội nghị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy cho biết trên địa bàn quận 9 có nhiều dự án kéo dài. Trong khi đó, quy định của pháp luật thường xuyên thay đổi, người dân không đồng tình với chính sách bồi thường nên nảy sinh nhiều khiếu kiện.

Theo thống kê, hầu hết các khiếu nại, tố cáo đề nghị lãnh đạo địa phương đối thoại đều xuất phát từ việc thu hồi đất, về chính sách bồi thường.

“Gần đây, trên địa bàn quận còn xuất hiện tình trạng mua bán vụ kiện. Một số luật sư, người khiếu kiện chuyên nghiệp đã tác động người dân để nhận ủy quyền từ người dân rồi khiếu kiện. Họ giữ toàn bộ giấy tờ, CMND, hộ khẩu của người dân để người dân bị lệ thuộc hoàn toàn. Những người này hoạt động ngấm ngầm và canh những sơ hở của chính quyền để kích động người dân, gây phức tạp tình hình”, ông Trần Văn Bảy thông tin.

Phó Viện trưởng VKSND TP Nguyễn Nhật Nam cũng nhận định, tình trạng cò khiếu kiện do những “người chuyên nghiệp” thực hiện. Những người này nắm quy định pháp luật, tìm đến người dân tác động ủy quyền cho họ tham gia khởi kiện, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị.

Trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, ông Nguyễn Nhật Nam dẫn ra 6 vụ việc tham nhũng xuất phát từ hành vi vi phạm xảy ra ở cấp cơ sở. Đó là: nhân viên cấp phát thuốc của Bệnh viện Trưng Vương, chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc của một phường ở quận 7, kế toán trưởng của một trường tiểu học ở quận Tân Bình, kế toán trưởng của một phường ở quận Bình Thạnh… đã lợi dụng sơ hở, tư túi hàng trăm triệu đến hơn cả tỷ đồng.

“Đây là các cán bộ, nhân viên cấp cơ sở. Điều này cho thấy tham nhũng có thể xảy ra ở bất kỳ đơn vị nào, cấp nào. Vì vậy, người đứng đầu các cấp, các đơn vị cần phải tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa các điều kiện phát sinh tham nhũng từ cơ quan đơn vị mình”, ông Nguyễn Nhật Nam nêu quan điểm.

Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng trong thời gian qua, đồng chí Trần Văn Thuận, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy TPHCM, cho biết qua công tác kiểm tra nội bộ và qua giải quyết tố cáo, khiếu nại thì chưa phát hiện trường hợp tham nhũng. Tuy nhiên, từ hoạt động thanh tra, Thanh tra TP đã chuyển 1 vụ có dấu hiệu tội phạm tham nhũng sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý theo quy định.

“Trong thời gian qua, các cơ quan trong khối nội chính TP đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể - chính trị tập trung triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của trung ương và TP trên lĩnh vực an ninh - nội chính, cải cách tư pháp; duy trì tổ chức giao ban đinh kỳ giữa các đơn vị làm công tác an ninh trên địa bàn để kịp thời trao đổi thông tin, chỉ đạo các giải pháp giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra khiếu kiện đông người…

Nhưng cạnh đó, hoạt động của ngành cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, chống đối chính trị đang tiếp tục lợi dụng tình hình xảy ra một số tỉnh miền Trung, vấn đề biển Đông, các sự kiện chính trị quan trọng để chống phá, xuyên tách đường lối chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước. Ngoài ra, tình hình khiếu kiện về bồi thường, giải tỏa, trật tự an toàn giao thông, tình hình tội phạm hình sự, ma túy, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp”, đồng chí Trần Văn Thuận đánh giá.

Phát biểu kết luận, đồng chí Trần Thế Lưu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM nhận định khâu phát hiện, xử lý tham nhũng trên địa bàn TP còn yếu. 

Do vậy, đồng chí Trần Thế Lưu cho biết sẽ làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM để xem xét, tập trung thực hiện những công việc cụ thể nào, khâu nào trong quy chế phối hợp giữa hai đơn vị để tăng cường giám sát, phát hiện vi phạm.

“Tôi đồng tình với đề xuất những người đứng đầu các cấp, các đơn vị cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng. Không phải có vi phạm mới kiểm tra mà kiểm tra là công việc bình thường nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng”, đồng chí Trần Thế Lưu nhấn mạnh.

Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu trong thời gian từ nay đến cuối năm cần tập trung vào một số công tác trọng tâm như thành lập đoàn rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội năm 2017; lập đoàn kiểm tra tiến độ thanh tra, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm. Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đối với các tổ chức đảng trực thuộc thành ủy và đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở.

Gây thiệt hại 42 tỷ đồng, nộp, khắc phục hậu quả 1,3 tỷ đồng

Trong 6 tháng đầu năm 2017, cơ quan cảnh sát thụ lý 13 vụ (17 bị can). Hiện đã giải quyết được 6 vụ (9 bị can), còn 7 vụ (8 bị can).

Trong công tác truy tố thì cơ quan kiểm sát thụ lý kiểm sát điều tra 5 vụ (9 bị can), đã giải quyết 3 vụ (6 bị can), còn 2 vụ (3 bị can).

Trong công tác xét xử, tòa án đã thụ lý 7 vụ (23 bị cáo), đã giải quyết 6 vụ (21 bị cáo), còn 1 vụ (2 bị cáo).

Theo thống kê, thông qua công tác kiểm sát điều tra, truy tố và xét xử thì số tiền thiệt hại mà các bị cáo gây ra cho nhà nước là gần 42 tỷ đồng. Tuy nhiên, các bị cáo chỉ nộp, khắc phục hậu quả chỉ hơn 1,3 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục