Thách thức và cơ hội

Quyết định chính thức ngừng nhập khẩu 24 loại rác thải công nghiệp và gia dụng của Trung Quốc từ đầu tháng 1-2018 gây sốc đối với thị trường các nước phát triển. Phụ thuộc nặng nề vào ngành tái chế Trung Quốc, các nền kinh tế phát triển sẽ xoay xở ra sao sau quyết định này? 
Rác tại một trung tâm tái chế ở Berlin, Đức
Rác tại một trung tâm tái chế ở Berlin, Đức
Chấn động
Hiện Liên minh châu Âu (EU) hàng năm xuất khẩu khoảng một nửa rác thải nhựa đã qua tuyển lựa, trong đó 85% là xuất sang Trung Quốc. Trong khi đó, năm 2016 Mỹ xuất sang Trung Quốc hơn 1/2 lượng rác thải kim loại cùng với giấy và nhựa, tổng cộng khoảng 16,2 triệu tấn.
Kể từ ngày 1-1-2018, nhà nhập khẩu rác số một thế giới đã đóng cửa với 24 loại rác thải rắn, trong đó có nhiều loại nhựa, giấy, vải vóc… Biện pháp này đã được Bắc Kinh thông báo trước đó 6 tháng, với lý do để bảo vệ môi trường. Nhận định về quyết định trên của Trung Quốc, ông Arnaud Brunet, Giám đốc Văn phòng quốc tế về tái chế (BIR), có trụ sở tại Brussels (Bỉ), cho rằng: “Đây là một cơn địa chấn. Nền công nghiệp chúng ta bị đặt trong tình trạng căng thẳng cao độ, bởi một điều đơn giản, Trung Quốc là thị trường số một thế giới về nguyên liệu tái chế”.
Không đưa rác sang Trung Quốc, vậy phải làm gì với đồ phế thải? Ông Brunet hy vọng sẽ tìm ra các thị trường nhập khẩu mới để thay thế, cụ thể là Ấn Độ, Pakistan hay Campuchia. Tuy nhiên, chuyên gia về tái chế rác thải cũng cho hay, việc này sẽ phải mất nhiều thời gian và trước mắt, tình trạng rác thải ùn ứ tại châu Âu chắc chắn sẽ là một đe dọa lớn về môi trường. Một số lớn lượng rác thải ùn ứ sẽ phải được đem đi chôn, một số khác sẽ bị đốt. Tại Mỹ, người phát ngôn của Liên đoàn Rác thải và tái chế Mỹ (NWRA) Brandon Wright, cho biết các doanh nghiệp đang tìm nơi để đặt số chất thải dôi dư, thậm chí một số buộc phải giữ tạm số rác thừa tại bãi đậu xe hay tại các địa điểm của công ty ở nơi xa.
Theo các ước tính BIR, ảnh hưởng trước mắt sẽ rất tiêu cực, khi lượng giấy thải xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm nay dự kiến sẽ sụt giảm 1/4 so với năm 2016, lượng nhựa thải sẽ sụt giảm đến 80% (từ 7,35 triệu tấn xuống còn 1,5 triệu tấn). Để hóa giải thách thức rất lớn này, một số doanh nghiệp tỏ ra khá lạc quan về triển vọng trung hạn, đó là chuyển dịch thị trường xuất khẩu rác sang các nước châu Á, láng giềng với Trung Quốc, thậm chí ở châu Mỹ Latinh. Đây cũng là quan điểm của công ty tái chế rác thải dân dụng số 1 nước Mỹ Waste Management. Theo người phát ngôn của công ty này, từ nhiều năm nay, họ đã làm việc với các đối tác tại Ấn Độ, Thái Lan...
Cái khó ló cái khôn
Trái ngược với quyết định chuyển dịch thị trường, khai thác kiệt quệ môi trường, chuyển dịch các gánh nặng sinh thái ra nơi khác, nhiều quốc gia phương Tây đang hướng đến một giải pháp triệt để. Cuối tháng 1 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) công bố chiến lược giảm mạnh lượng bao bì nhựa chỉ dùng một lần, để hướng đến mục tiêu 100% bao bì tái chế, kế hoạch từ nay đến năm 2030. 
Quyết định mới đây của EC thể hiện quyết tâm lớn chuyển sang kinh tế xanh của EU. Hiện mới chỉ có 30% bao bì nhựa ở châu Âu được tái chế, 39% được sử dụng làm năng lượng, phần còn lại là rác chôn. Ông Frans Timmermans, chính trị gia người Hà Lan, hiện là Phó Chủ tịch EC, khuyến nghị: “Chúng ta cần sử dụng quyết định này của Trung Quốc để đặt chính mình thành vấn đề. Chúng ta hãy tự hỏi tại sao châu Âu không thể tự tái chế rác thải của chính mình”. Nhiều doanh nhân và chuyên gia phương Tây cũng nhìn nhận rằng, tình thế khó khăn nói trên là một cơ hội vàng cho sự bật dậy của “kinh tế tái chế”, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, gây tổn hại ít nhất cho môi trường. Ông Arthur Lepage, Chủ tịch Công ty Excelrise chuyên về bao bì của Pháp, một công ty đang được đánh giá là phát triển nhanh với nhiều hứa hẹn, nhấn mạnh đến một cơ hội lịch sử, một tiềm năng kinh tế thực sự. Bởi riêng về rác thải nhựa, thị trường Pháp hàng năm phải chuyển sang Trung Quốc khoảng 500.000 tấn. Doanh nhân Pháp vạch rõ các nhược điểm lớn của ngành tái chế tại Pháp và cũng của nhiều nước châu Âu nói chung. Thứ nhất, về phía các doanh nghiệp thì các thiết bị và cơ sở ít thích ứng với việc tái chế rác nhựa. Thứ hai là thói quen của các đối tác truyền thống trong lĩnh vực này là không đề cao việc phân loại rác thải ngay từ nguồn. Thói quen xấu khiến một mặt rác thải giảm giá trị, mặt khác giá thành xử lý lại tăng lên rất nhiều. Theo ước tính của Quỹ Ellen McArthur chuyên về kinh tế tuần hoàn, tổn thất toàn cầu hàng năm riêng về kinh tế - do việc rác thải không được xử lý tốt là từ 80-120 tỷ USD.
Ông Lepage cũng nhắc đến kinh nghiệm dẫn đầu của Thụy Điển, quốc gia được biết đến như là nơi mà 99% rác thải được tái chế. Theo một số thông tin mới đây, chính Thụy Điển đã phải tính tới việc nhập khẩu rác thải từ một số nước láng giềng để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp tái chế đang phát triển mạnh. Bí quyết của mô hình thành công Thụy Điển là văn hóa tái chế đã bắt rễ trong đời sống xã hội, người Thụy Điển có thói quen phân loại rất tỉ mỉ mọi đồ thải loại trong đời sống hàng ngày, từ sách báo, bao bì đến kim loại...
Để tiến nhanh đến mục tiêu 100% bao bì được tái chế từ nay đến 2030, cũng như thúc đẩy nền kinh tế tái chế nói chung, ông Lepage đề nghị áp dụng một số biện pháp kiên quyết hơn. Trước hết, thực hiện nghiêm ngặt quy định phân 5 luồng rác thải, bao gồm đồ nhựa, gỗ, giấy, kim loại và thủy tinh (quy định vốn được đưa ra từ năm 2016). Lập ra các khoản tiền thưởng đóng góp môi trường cho các doanh nghiệp nào sử dụng vật liệu tái chế từ 50% trở lên, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng 100% vật liệu tái chế…

Tin cùng chuyên mục