“Thả nổi” cao tốc - Lãng phí cực lớn

Gần 9 tháng thả nổi cao tốc TPHCM - Trung Lương, từ ngày 1-1-2019 đến nay, tuyến đường cao tốc này đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Họ đã biến đường cao tốc thành đường quốc lộ, không kiểm soát các thành phần, tải trọng của phương tiện tham gia giao thông; 13 cây cầu vượt sông, cầu cạn có tải trọng từ 30 tấn trở xuống có khả năng mất an toàn vì quá tải; nguồn thu phục vụ cho quản lý, vận hành bị thiếu hụt, không bảo trì kịp thời… - đó là những cảnh báo của Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam.

Người dân thường xuyên đi qua tuyến đường này trong 9 tháng qua đều thấy rõ là sau khi bỏ thu phí, lưu lượng xe tăng vọt, chen chúc nhau lưu thông, tai nạn xảy ra thường xuyên, và như vậy tốc độ cho phép 120km sau đó giảm xuống 100km trở nên phù phiếm, thậm chí là tốc độ của... sự nguy hiểm. 

Tâm lý người tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc này hiện nay là nơm nớp lo sợ vì hệ thống giám sát điện tử đã hư hỏng, lại không có đơn vị nào giám sát trực tiếp.

Trước thực trạng trên, cơ quan quản lý nhà nước nói gì? Trao đổi với PV Báo SGGP ngày 16-8, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (đơn vị quản lý tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương) cho biết, hiện nay việc lưu thông các phương tiện trên cao tốc tăng vọt, lên đến 31% so với trước khi bỏ thu phí; xe dàn hàng ngang, chạy vào làn khẩn cấp, tốc độ không đảm bảo, thiếu an toàn. Nhưng ông cũng nói rằng, chưa biết khi nào sẽ tổ chức thu phí trở lại!

Vì sao cơ quan quản lý nhà nước lại lúng túng trước phương án có tiếp tục thu phí hay không thu phí? Còn nhớ, khi sự việc vừa xảy ra, dư luận vừa lên tiếng, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải 2 lần họp để tìm vốn cho tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nhưng cho đến nay chưa ai cam đoan được tuyến đường này có thông xe vào năm 2020 như kế hoạch đặt ra hay không. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư của tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương là gần 10.000 tỷ đồng, bắt đầu thu phí từ năm 2012 đến năm 2018, số tiền thu được khoảng 2.600 tỷ đồng. Nếu tính toán sòng phẳng, kể cả lãi mẹ đẻ lãi con, tuyến đường cao tốc phải thu phí trong 30 năm mới đủ vốn. Rõ ràng, chúng ta đang thiếu vốn trầm trọng cho phát triển giao thông nhưng lại “vứt” nguồn thu từ tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương. Một giải pháp đơn giản: chỉ cần tổ chức thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương bù đắp vốn cho tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đồng thời duy tu, sửa chữa tuyến đường vận hành ổn định.

Dư luận lại râm ran, phải chăng cơ quan quản lý nhà nước sợ trách nhiệm (nếu có xảy ra chuyện gì) nên vẫn cứ “thả nổi”. Bởi, vào đầu năm nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã bắt hàng loạt cán bộ, nhân viên của Công ty TNHH Yên Khánh vì che giấu doanh số thu phí, trốn thuế xảy ra tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương. Dư luận cũng nêu, nếu là công trình của doanh nghiệp tư nhân thì họ tổ chức thu phí ngay để lấy lại vốn, cho dù có xảy ra chuyện gì. Nếu những nghi vấn trên là sự thật, thì đó là sự lãng phí tiền thuế của dân (vì tuyến đường làm từ tiền thuế của dân), thể hiện sự thiếu trách nhiệm với dân, thờ ơ với sự phát triển của đất nước của các cơ quan chức trách.

Chúng ta đều biết ĐBSCL là vựa cây trái lớn, vựa lúa lớn nhất cả nước, xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng lâu nay vẫn cứ nghèo. 13 tỉnh ĐBSCL đóng góp ngân sách còn rất thấp, vì đâu? Nguyên nhân chính là vì hạ tầng giao thông không được đầu tư, bị chia cắt bởi sông rạch, vận chuyển khó khăn, đi lại, sinh hoạt, đời sống người dân thua thiệt. Chúng ta hy vọng chỉ trong một thời gian rất ngắn nữa, với sự dốc sức của các bộ ngành, hệ thống giao thông của ĐBSCL sẽ được kết nối hoàn chỉnh. Có như thế, một ngày gần thôi, tuyến đường cao tốc đến đất Mũi Cà Mau - mỏm đất cuối cùng của đất nước thân yêu chúng ta sẽ thành hình hài, xe chạy thông suốt.

Tin cùng chuyên mục