Tết Việt ở Cali

Sắc xuân đang ngập tràn TP San Jose, tiểu bang California, nơi có cộng đồng người Việt lớn thứ hai ở Mỹ. Tại các trung tâm thương mại lớn như Vietnam Town, Lion Plaza, Grand Century Mall có đủ các mặt hàng như hoa, bánh, mứt, trái cây bày mâm ngũ quả, câu đối... Ai cũng náo nức sắm sửa để chuẩn bị một cái tết thật đủ đầy.
Khách nhí vui chơi tại triển lãm
Khách nhí vui chơi tại triển lãm

Năm nay, không khí tết đến với người Việt ở San Jose sớm hơn mọi năm khi Bảo tàng Khám phá cho trẻ em San Jose tổ chức triển lãm với chủ đề Voyage to Vietnam: Celebrating the Tet Festival (tạm dịch là Hành trình đến Việt Nam: Đón tết). Khai màn từ ngày 6-10-2018, triển lãm kéo dài đến hết 12-5-2019, hứa hẹn là điểm du xuân của không ít gia đình Việt trong dịp Tết Kỷ Hợi. 

Chỉ cần bước chân vào cổng triển lãm, khách tham quan đã như chạm đến Việt Nam bởi những hình ảnh và âm thanh đậm chất Việt. Với hình thức triển lãm tương tác, mọi người có thể “nhập vai” để trải nghiệm. Ví dụ như ở khu Chợ Tết, khách tham quan có thể ngắm nhìn các loại hoa quen thuộc được người Việt trưng trong nhà, hay nguyên liệu để chế biến các món ăn truyền thống trong ngày tết. Còn ở khu Nhà, người xem biết được bàn thờ ngày tết được bài trí thế nào; được thử trang phục truyền thống áo dài; đội đầu lân. Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu nhiều trò chơi dân gian hay các nhạc cụ để tấu lên những bản nhạc đón xuân... Tất cả tạo nên một không gian đón tết đậm nét văn hóa Việt, gần gũi và vô cùng ấm áp.

Anh Phu Tran tranh thủ ngày nghỉ đưa vợ và các con đến triển lãm. Anh cho biết dù sống xa quê hương đã lâu nhưng trong anh lúc nào cũng mong muốn giữ được những giá trị, nét văn hóa truyền thống để truyền lại cho thế hệ con cháu sau này. Thế nhưng, cuộc sống bận rộn hàng ngày khiến sự chia sẻ với con cái về văn hóa dân tộc khó được đủ đầy. Chung nỗi niềm này là Kimberly Nguyen, sinh viên Trường Đại học Connecticut. Cô đã từng tự vấn rằng: Liệu mình có phải là một người da trắng? Cùng bố mẹ sang định cư ở Mỹ từ khi còn nhỏ, Kimberly Nguyen lớn lên như “một người Mỹ”. Ở ngôi trường cô học thời niên thiếu, học sinh gốc Việt không quá 5 người. Kimberly Nguyen chia sẻ rằng điều khiến cô thấy mình là “một người Việt” nhất là tết. Bởi đó là dịp mà mẹ cô nấu các món ăn Việt hay cả gia đình đi chúc tết người thân, bạn bè.

Kimberly Nguyen không trách bố mẹ khiến mình “ít chất Việt” bởi cô hiểu rằng họ phải làm việc vất vả và đã cố gắng hết sức để cô được kết nối với văn hóa Việt nhiều nhất có thể. Mẹ cô vẫn luôn theo dõi thông tin trong nước qua báo chí rồi chia sẻ với mọi người trong gia đình; nhắc bố cô dò các kênh truyền hình tiếng Việt để cô và em trai theo dõi hay khuyến khích cả nhà đến ăn ở các nhà hàng Việt mỗi khi có dịp... Mọi thứ chỉ thực sự thay đổi khi Kimberly Nguyen vào đại học. Trong trường có rất nhiều câu lạc bộ, trong đó có Hội Sinh viên Việt Nam (VSA). 3 năm gắn bó với VSA, Kimberly Nguyen được gặp gỡ nhiều bạn học người Việt, có cơ hội được tìm hiểu rõ hơn về văn hóa Việt để giờ cô gọi VSA là nhà.

“Quê hương mỗi người chỉ một”, những người như anh Phu Tran hay Kimberly Nguyen dù ở phương xa vẫn luôn dành cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình tình cảm đặc biệt. Triển lãm như Voyage to Vietnam: Celebrating the Tet Festival hay VSA chính là những nơi để họ và gia đình tìm hiểu về văn hóa Việt. Để từ đó, họ thêm yêu quê hương mình.

Tin cùng chuyên mục